Tiểu thương tại chợ Đại Quang Minh phản đối mức tăng giá cho thuê quầy sạp và các điều khoản trong hợp đồng do doanh nghiệp đưa ra - Ảnh: N.TRÍ
Trong đơn kêu cứu gửi đến báo chí mới đây, tập thể tiểu thương chợ Đại Quang Minh (quận 5) - chợ kinh doanh phụ liệu may mặc hàng đầu tại TP.HCM - cho biết Satraseco (đơn vị quản lý chợ) đã cắt điện nhiều quầy sạp và có hành vi gây khó dễ cho tiểu thương, đe dọa cưỡng chế trong nhiều ngày qua.
"Chúng tôi yêu cầu Satraseco tuân thủ hợp đồng cho thuê, tuân thủ pháp luật, ngừng đe dọa gây bất ổn việc kinh doanh của cả chợ, thương lượng giá tăng hợp lý; cảnh báo hậu quả việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, đe dọa cưỡng chế tài sản của tiểu thương; yêu cầu Satraseco thực hiện nghĩa vụ pháp lý của bên cho thuê là chứng minh quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất khi tái ký hợp đồng thuê mới...", nội dung chính được tiểu thương đề nghị trong đơn kêu cứu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 19-7, bà N.T.V. (tiểu thương tại chợ) cho biết tối 18-7, chợ đã âm thầm cắt điện hơn 50% các quầy sạp và nhiều lần thông báo mang tính đe dọa như không cho vào chợ, cắt hợp đồng cho thuê, không thương lượng…
Trước đó ngày 5-7, Công ty Satraseco ra thông báo chấm dứt hợp đồng thuê, thu hồi quầy sạp của nhiều tiểu thương mà không có ý định bồi thường gì.
"Tiểu thương ít nhiều cũng có đóng góp trong việc xây dựng và phát triển chợ nhưng phía doanh nghiệp lại hành xử kiểu độc quyền. Chưa kể trong hợp đồng mới được doanh nghiệp soạn thảo có ý 'khi cần lấy lại sạp thì báo trước 2 tháng' là một sự bất công", bà V. bức xúc.
Nhiều tiểu thương cho biết hoạt động kinh doanh tại chợ đang bị ảnh hưởng do doanh nghiệp gây khó dễ - Ảnh: N.TRÍ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Thế Hanh - tổng giám đốc Satraseco - cho biết nội dung trong đơn trên của tiểu thương chưa chính xác, rõ ràng. Tuy vậy, ông Hanh xác nhận đơn vị đã và đang tính toán áp dụng thêm giải pháp nhằm xem xét chấm dứt hợp đồng thuê quầy sạp đối với những tiểu thương không thiện chí, và có thể sẽ nhờ pháp luật can thiệp.
"Đơn vị đã đề nghị ký hợp đồng thuê sạp mới với tiểu thương từ nhiều tháng qua, và hợp đồng cũ đã hết hạn từ 30-6, nhưng trong 138 quầy thì hiện mới chỉ có hơn 20 quầy ký hợp đồng mới. Là chủ sở hữu chợ Đại Quang Minh, chúng tôi có quyền chấm dứt hợp đồng với trường hợp vi phạm, thiếu thiện chí", ông Hanh khẳng định.
Cũng theo ông Hanh, doanh nghiệp đã thông báo đến chính quyền địa phương về tình trạng nhiều tiểu thương không chịu tái ký hợp đồng, không có thiện chí hợp tác và đề nghị được hỗ trợ giải quyết.
Trước đó, đại diện Phòng kinh tế quận 5 cho biết đã nhận được phản ánh của các bên và đã đề nghị doanh nghiệp xem xét lộ trình tăng giá nhưng chưa được chấp thuận.
"Chính quyền đã hỗ trợ tổ chức đối thoại, và nhiều lần đề nghị các bên đối thoại để giải quyết ổn thỏa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Hợp đồng này là giao dịch dân sự, thỏa thuận hai bên nên chính quyền khó can thiệp sâu".
Nhiều tháng qua, nhiều tiểu thương chợ Đại Quang Minh treo biển phản đối việc doanh nghiệp tăng 200% giá cho thuê sạp đối với hợp đồng mới (chia thành 2 đợt tăng trong 1 năm). Tuy nhiên, Satraseco cho biết chỉ có vài trường hợp tăng giá thuê trên 200% do tính toán lại diện tích, còn lại mức tăng phổ biến trên dưới 100%. Việc tăng giá này theo doanh nghiệp là phù hợp với khung giá cho thuê mặt bằng trong khu vực và phù hợp với quy định pháp luật.
Tuy nhiên sau đó Satraseco đã quyết định giãn khoảng thời gian áp dụng việc tăng giá trong 2 năm thay vì chỉ 1 năm như trước, và giảm mức đặt cọc từ 3 tháng xuống còn 2 tháng. Tuy nhiên đến nay hầu hết tiểu thương cho biết vẫn không chấp thuận các phương án này và đề nghị giảm mức giá cho thuê.