Tiểu phẩm: Tế nhị thời @

2 năm trước 311
Chú thích ảnh

Chú bảo cô: "Tôi là tôi ghét cay ghét đắng chuyện tiêu cực ... Nhưng ở thời buổi này đi ít còn trật còn trều nữa là chạy suông, chạy chay..."

Rồi giọng chú sin sít: "Việc của thằng Địa (tên con trai) tôi tính nát ra rồi, không có cái này... - Chú vê vê mấy ngón tay- Thì đến tết Công - Gô vẫn chưa đào đâu ra việc làm!".

Vợ chú Điền là người đàn bà hiền lành chất phát, quanh năm ngày tháng đi làm công ăn lương, hầu như cô chẳng hiểu biết gì về thế thời, thời thế cả. Người đàn bà tần tảo ấy bất kể một nắng hai sương, không nề hà bất cứ công việc gì dù vất vả nặng nhọc đến đâu, miễn sao đổ mồ hôi kiếm được đồng hơn đồng kém phụ vào với chồng để nuôi thằng Địa ăn học cho bằng anh bằng em. Nay thằng Địa đã có tấm bằng cử nhân, cô cũng tự hào lắm. Bây giờ ra đường cô cũng “hiên ngang” ngẩng cao đầu chứ chẳng len lét như ngày nào.

Nghe chồng nói vậy, cô cũng thấy hơi lo lo, cô khẽ khàng hỏi:

- Thế mình định chạy cho con vào cơ quan nào?

Chú Điền trầm ngâm giây lát, bảo:

- Đằng nào cũng mất tiền, cho nên chạy cho nó vào sở Z đúng ngành học của nó, cho thuận lợi chuyên môn, sau dễ thăng tiến hơn.

Vợ chú có chú đôi chút hào hứng, song cô vẫn băn khoăn:

- Thế mình định chạy ra sao?

Lúc này chú Hạ Điền mới bộc lộ vẻ thông thái, chú xòe bàn tay trước mặt vợ, xỉa ra từng ngón một, mỗi lần xỉa ngón tay nào chú lại nhấn mạnh giọng:

- Phòng tổ chức chạy 2 người là một cửa này, phòng chuyên môn chạy 2 người là hai cửa này, 2 vị phó giám đốc sở là ba cửa này, cuối cùng cửa giám đốc nữa là 4 này...

Vợ chú bập bập lưỡi; “Nhiều nhề” rồi hỏi:

- Thế mình trù tính mỗi cửa chạy bao nhiêu?

Chú Điền sắt giọng lại:

- Không thể cào bằng được, bởi vậy tôi… - Chú rành rọt- Chia làm 3 loại, loại một là ngần này, loại 2 ngần này và loại 3 ngần này...Tôi tính sát lắm, trong lúc vật giá leo thang, vàng, đô mỗi ngày lên một giá, chi như vậy là hợp lý! Cũng không nhiều đâu!

Vỡ lẽ, cô cũng có vẻ đồng tình với ý kiến của chú. Ngẫm nghĩ một lúc cô bảo:

- Mình à, tôi thường nghe người ta nói "Của cho không bằng cách cho" vì vậy theo em, mỗi suất trị giá bao nhiêu mình cứ cho vào phong bì dán kín lại cho nó tế nhị...

Cô chưa nói hết câu, chú Điền đã lắc đầu quầy quậy:

- Không... Không thể tế nhị theo kiểu cổ điển vậy được đâu...-  Chú giảng giải-  Bây giờ giả sử cô là người được cậy nhờ, tức là cái loại 1 loại 2 loại 3 kia kìa, tiền tôi cho phong bì gắn kín thì liệu cô có phân vân do dự không! Chắc quá băn khoăn rồi! Không biết số tiền là bao nhiêu, có tương xứng với việc nhờ vả không... Làm cho người ta khó nghĩ như thế là thiếu tế nhị...

Chú Điền dừng lời, nheo nheo mắt, bên mép hé ra một cái cười nửa miệng:

- Thời nay là cứ thẳng toẹt ra ... Họ nhìn thấy cụ thể, họ nhận coi như xong, còn họ tỏ ra "liêm khiết, trong sạch" thì mình biết đường "cho" thêm vào... 

Chừng như đã hiểu những gì chồng vừa nói, vợ chú Điền gật gật gù gù, tuy nhiên cô vẫn hỏi chồng:

- Thế mình gọi cái kiểu tế nhị lộ thiên là tế nhị gì?

Chú Điền cười phá lên, rồi chú vừa cười vừa nói với vợ bằng ngữ điệu hả hê của người sành sỏi:

- Tế nhị thời @ !

Chẳng rõ chú Hạ Điền làng Thổ Canh vận dụng sự tế nhị thời @ trong kế hoạch của mình như thế nào. Chỉ biết thằng Địa con chú nay là cán bộ sở Z, mà lại biên chế ngon lành cành đào rồi nha!

Nguồn bài viết