Tiền đổ vào chứng khoán giảm mạnh, VN-Index vẫn chưa vượt ngưỡng 1.300 điểm

3 năm trước 729
Tiền đổ vào chứng khoán giảm mạnh, VN-Index vẫn chưa vượt ngưỡng 1.300 điểm - Ảnh 1.

Lượng tiền giao dịch chứng khoán giảm mạnh trong những phiên gần đây. Trong ảnh là một nhà đầu tư đang theo dõi thị trường - Ảnh: BÔNG MAI

Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến các cổ phiếu thuộc nhóm nguyên vật liệu và tài chính (ngân hàng, chứng khoán) dẫn dắt thị trường đi lên rõ rệt.

Trong đó, cổ phiếu của VPBank (VPB), VietinBank (CTG), Techcombank (TCB), ACB (ACB), Sacombank (STB), Vietcombank (VCB)... nhận được lực mua khá tốt.

Nhiều doanh nghiệp lớn cũng hòa chung không khí cổ phiếu tăng giá, như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR)...

Ngược dòng, nhiều mã chứng khoán của những doanh nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau bị sức ép thoát hàng, rớt giá, điển hình như BCM (Đầu tư và phát triển Công nghiệp), GAS (PetroVietnam Gas), MSN (Masan), VJC (Vietjet Air), FLC (Tập đoàn FLC), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)...

Bộ ba cổ phiếu họ Vin có diễn biến khá trái ngược, trong khi cổ phiếu của Vinhomes (VHM) tăng giá nhẹ thì cả hai thành viên còn lại là Vingroup (VIC), Vincom Retail (VRE) lại bị giảm giá.

Dựa vào chỉ số ngành, có thể thấy dòng tiền tập trung đổ vào mua cổ phiếu của nhóm nguyên vật liệu, tài chính, công nghiệp, chăm sóc sức khỏe. Chỉ số của các nhóm khác như công nghệ thông tin, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng, hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng... chỉ nhích nhẹ. Đối lập, ngành bất động sản có chỉ số giảm nhẹ.

Khép lại phiên giao dịch hôm nay (15-7), VN-Index hồi phục với mức tăng 14,01 điểm (+1,09%) lên 1.293,92 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt xấp xỉ 15.144,7 tỉ đồng, giảm 34% so với phiên hôm qua, giảm 36% so với mức bình quân của tháng trước.

Như vậy, kể từ mốc đỉnh lịch sử 1.420,27 điểm được xác lập vào ngày 2-7, sau 9 phiên, trải qua hàng loạt cú chao đảo, lao dốc, giằng co, VN-Index đã mất 126,35 điểm.

Hôm nay, rổ VN30 có mức tăng mạnh hơn VN-Index, chốt phiên ở mốc 1.430,29 điểm (+19,99 điểm, tương đương 1,42%).

Cả sàn HNX và rổ HNX30 cũng đón nhận sắc xanh, tăng lần lượt 9,45 điểm (+3,18%) lên 306,3 điểm và 14,77 điểm (+3,17%) lên 480,54 điểm.

Dù các chỉ số chứng khoán tăng, nhưng giá trị giao dịch chứng khoán lại sụt giảm mạnh. Trong ngày, tổng giá trị giao dịch ở ba sàn gồm HoSE, HNX và UPCoM đạt 18.342 tỉ đồng, thấp hơn 29% so với phiên hôm qua, giảm 41% so với phiên đầu tháng 7.

Nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng, với giá hơn 735 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu tháng 7 đến nay, khối ngoại mua ròng hơn 6.526 tỉ đồng.

Về quan điểm thị trường, Chứng khoán SSI cho rằng do lực cầu bắt đáy giá thấp hiện tại vẫn chưa đủ mạnh nên nhiều khả năng thị trường chưa thể quay lại xu hướng tăng ngay, mà có thể sẽ hình thành giai đoạn đi ngang kèm với thanh khoản thấp để tạo nền tích lũy.

Để quay lại xu hướng tăng, chỉ số VN-Index cần vượt vùng kháng cự 1.340 điểm đi kèm với khối lượng đi lên tiệm cận đường trung bình 50 ngày trong đợt hồi phục sắp tới.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp cho thấy tâm lý bán tháo không còn diễn ra. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm và rủi ro dịch bệnh vẫn còn cao cho nên kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, tức chỉ số VN-Index có thể giảm về mức hỗ trợ mạnh 1.210 điểm.

Nhà đầu tư chật vật chọn cổ phiếu sau khi vốn hóa sàn HoSE bốc hơi trên 273.500 tỉ đồngNhà đầu tư chật vật chọn cổ phiếu sau khi vốn hóa sàn HoSE bốc hơi trên 273.500 tỉ đồng

TTO - Chỉ trong vòng một tuần nay, VN-Index đã giảm hơn 73 điểm. Vốn hóa sàn HoSE cũng 'bốc hơi' trên 273.500 tỉ đồng. Qua giai đoạn mua đâu thắng đó, việc chọn lựa cổ phiếu hiện không dễ dàng như trước.

Nguồn bài viết