Tiền lì xì không mới, cột dây thun vẫn làm dân mạng rưng rưng nước mắt

2 năm trước 200
Tiền lì xì không mới, cột dây thun vẫn làm dân mạng rưng rưng nước mắt - Ảnh 1.

Xấp tiền lì xì mà Thiên nhận được từ mợ

Hình ảnh xúc động trên đã nhận được hơn 7.000 lượt thích và nhiều lượt bình luận từ dân mạng khắp nơi.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, Huỳnh Hữu Thiên (sinh năm 2000, quê tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) chia sẻ, đây là tiền của mợ lì xì cho bạn. "Mợ là người phụ nữ truyền thống của thế hệ cũ, nên dành dụm kỹ càng nhiều thứ cho con cháu, đặc biệt là tiền lì xì", Thiên nói.

Thiên cho biết, mùng 2 Tết Nhâm Dần, bạn về nhà ngoại thắp hương cho ông bà. Sau khi thắp hương xong, mợ Ba kêu lại và nói: "Đợi mợ lì xì cho Tư rồi về". Mợ chạy vào trong phòng và cầm theo một xấp tiền loại 20.000 đồng được cột dây thun.

"Em cứ nghĩ mợ sẽ rút dây thun ra để đưa tiền lì xì cho em. Nhưng không, mợ đưa em hết tiền còn cột trong dây thun. Em nghẹn ngào và xúc động vì đây là tiền mợ em bán rau để dành được. Em quyết định đăng lên mạng xã hội để chia sẻ câu chuyện này", Thiên kể.

Xấp tiền lẻ ấy là 200.000 đồng mà bà Võ Thị Ánh Hoa (sinh năm 1962) chắt chiu cho cháu. Bà cho biết: "Thiên học ở TP.HCM, nên mỗi năm gặp nhau cũng chỉ có một lần. Năm nay dịch bệnh nên hai mợ cháu mới có nhiều thời gian gặp hơn. Tôi gặp con cháu là lì xì thôi, vì muốn tụi nó vui cho có không khí Tết. Tùy vào từng cháu mà tôi lì xì với số tiền khác nhau. Thiên ở xa lâu lâu mới về nên cho nhiều hơn so với những đứa cháu khác".

Tiền lì xì không mới, cột dây thun vẫn làm dân mạng rưng rưng nước mắt - Ảnh 2.

Bà Ánh Hoa (ngoài cùng góc phải) chụp ảnh cùng con cháu

Thiên chia sẻ, nói về mợ chỉ có thể miêu tả bằng hai từ: hy sinh và tuyệt vời. Bà trồng nhiều rau nên hay kêu Thiên qua hái ăn hoài. Tết, mợ gói bánh chưng, bánh tét để bán và đem cho nhà Thiên. Mợ luôn quan tâm đến nhiều thứ. Biết Thiên nuôi chuột lang (loại chuột ăn cỏ và trái cây), bà thường cắt cỏ để dành cho Thiên cho chuột ăn.

Câu chuyện về tiền lì xì được cột thun của Thiên được cư dân mạng xúc động và bình luận rôm rả.

Tài khoản Sea El bình luận: "Nhìn tờ tiền mà mình nhớ đến một chú, bạn của ba mình. Tuy nhà không dư dả nhiều nhưng Tết chú vẫn lì xì cho mình. Trong phong bao là tờ tiền nhàu cũ, mình thấy thương và trân trọng lắm".

Ngọc Huyền Lê viết: "Ông ngoại mình toàn bỏ tiền vào gói mì tôm rồi đưa cho mẹ, cuộn bọc mấy lớp liền".

Lan Anh Hoàng chia sẻ: "Ngày xưa bà nội mình cũng hay lì xì còn nguyên dây buộc như thế này. Bà còn lấy cả lạt mềm về buộc tiền rồi đưa cho mình".

Mai Mai cho biết: "Dì Tư mình nghèo nhưng năm nào cũng lì xì cho mình. Dù không nhiều, chỉ 20.000 đồng, nhưng từ nhỏ đến lớn gần như năm nào mình cũng nhận lộc từ dì Tư. Năm nay dì Tư đã mất do hậu COVID-19, lại mất gần Tết nên năm nay càng gần Tết mình lại càng nhớ những ngày Tết năm cũ".

Tài khoản Huyền chia sẻ: "Thấy mấy đứa trẻ con nhà mình chê tiền lì xì của các bà ít mà thấy buồn. Có vẻ hầu như các bậc phụ huynh thời nay đã quên hoặc không dạy cho trẻ rằng lì xì là để lấy may chứ không phải để ganh đua xem nhà ai giàu có khá giả hơn".

Có nên coi Tết là dịp các con Có nên coi Tết là dịp các con 'thu hoạch' lì xì?

TTO - Mừng tuổi bằng những phong bao lì xì mà ở đó giá trị về mặt vật chất được đề cao hơn ý nghĩa là điều cần tránh, thạc sĩ giáo dục Lê Trường An - giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM - nhận định.

Nguồn bài viết