Tiền lãi gửi ngân hàng của Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 được tính vào nguồn thu của quỹ

3 năm trước 252
Tiền lãi gửi ngân hàng của Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 được tính vào nguồn thu của quỹ - Ảnh 1.

Người dân tại TP.HCM được tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quang Vinh, giám đốc Ban quản lý Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, cho biết, tính đến 17h ngày 7-9, quỹ đã tiếp nhận tổng số tiền là 8.661 tỉ đồng của hơn 539.700 tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. 

Số tiền đã trích từ quỹ để mua vắc xin là 373 tỉ đồng, như vậy còn là 8.288 tỉ đồng. Trong thời gian chờ các hoạt động đàm phán mua, nhập khẩu vắc xin phòng, chống COVID-19, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. 

Để bảo toàn và phát triển vốn cho quỹ nhưng vẫn sẵn sàng rút ra chi mua vắc xin ngay khi cần, ông Vinh thông tin, căn cứ kế hoạch chi trong quý 3, ban quản lý quỹ đã gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại sau khi đấu thầu công khai và minh bạch.

Qua đấu thầu, số dư của quỹ đang được gửi tại 4 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank với tổng số tiền gần 6.600 tỉ đồng. Số còn lại là 1.700 tỉ đồng được gửi tại Ngân hàng Nhà nước.  

"Kỳ hạn gửi tiền là 3 tháng và 1 tháng với lãi suất tương ứng 3,3%/năm và 3%/năm. Lãi tiền gửi được tính vào nguồn thu của quỹ và được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19" - ông Vinh nói.

Về tiếp nhận tiền ủng hộ cho quỹ, Bộ Tài chính cho biết hiện quỹ đã mở tài khoản cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng TMCP gồm BIDV, Vietcombank, HDBank, VietinBank, Agribank, TPBank và MB Bank.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần của chỉ thị 16 trên địa bàn Hà Nội nên trong thời gian này ban quản lý quỹ không tổ chức tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân được. 

Để ủng hộ, đóng góp cho quỹ, các cá nhân, tổ chức có thể nộp vào tài khoản tại các ngân hàng nêu trên hoặc nhắn tin ủng hộ qua tổng đài 1408 của Bộ Thông tin - truyền thông.

Bộ Tài chính cho biết theo ước tính của Bộ Y tế, Việt Nam cần 25.000 tỉ đồng để mua 150 triệu liều vắc xin tiêm cho 75 triệu người dân.

Để đảm bảo nguồn tài chính mua số vắc xin này, ngoài nguồn ngân sách, Chính phủ đã thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 để huy động tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Số tiền ủng hộ cho quỹ chỉ để mua, sản xuất vắc xin và tiêm cho người dân.

Khuyến khích xã hội hóa, phát triển 'quỹ vắc xin'Khuyến khích xã hội hóa, phát triển "quỹ vắc xin"

TTO - Chiến lược vắc xin gặp nhiều thách thức, tỉ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc xin.

Nguồn bài viết