Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vắc xin - Ảnh: VGP
Chiều 30-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vắc xin. Hội nghị diễn ra tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND một số tỉnh, thành phố cùng các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh: "Hội nghị nhằm nhìn lại những việc đã làm được cũng như chưa làm được thời gian qua, xác định nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để không chỉ áp dụng cho công tác ngoại giao vắc xin mà tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế".
Tiết kiệm 23.000 tỉ đồng nhờ ngoại giao vắc xin
Báo cáo kết quả công tác ngoại giao vắc xin COVID-19, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết tính đến tháng 9-2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vắc xin tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23.000 tỉ đồng).
Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỉ đồng).
"Có thể khẳng định, chiến dịch ngoại giao vắc xin đã hết sức thành công, cùng với chiến dịch tiêm chủng đã giúp xoay chuyển tình thế, đưa Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia "đi sau về trước" trong triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Ngoại giao vắc xin thực sự là một chiến dịch ngoại giao đặc biệt, chưa có tiền lệ, để lại nhiều bài học giá trị cả về lý luận và thực tiễn", ông Sơn nói.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho hay Bộ Y tế đã chủ động theo sát các thông tin khoa học, phê duyệt có điều kiện các vắc xin để tiếp nhận hỗ trợ vắc xin qua cơ chế COVAX và các cơ chế song phương.
"Đến ngày 29-11, tổng số mũi tiêm tại Việt Nam là hơn 264 triệu mũi; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đã đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đã đạt tương ứng 79,7% và 86,9%. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã 91,5%.
Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ tiêm vắc xin cao trên thế giới với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vắc xin. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả", bà Hương cho hay.
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định thời gian tới, bối cảnh được đánh giá là có nhiều khó khăn và phức tạp, đặt ra yêu cầu phải phát huy các bài học thành công trong công tác ngoại giao vắc xin để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế.
Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên để phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý rằng Tổ chức Y tế thế giới dự báo đại dịch chưa kết thúc và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, vi rút có thể tiếp tục biến đổi và hiệu lực miễn dịch của vắc xin suy giảm theo thời gian, khoảng một nửa dân số thế giới chưa được tiêm vắc xin.
"Chúng ta không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác. Do đó, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vắc xin. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao để làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin trong thời gian tới", Thủ tướng nhấn mạnh.