Tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19

3 năm trước 319

Hướng tới nhóm lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến tiếp thu từ các bộ ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnhLao động nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 tiếp tục tác động mạnh tới thị trường lao động, khi trong quý 1/2021, có tới 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, có hơn 500.000 lao động bị mất việc làm, hơn 2,8 triệu người phải tạm nghỉ việc không lương.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 khởi phát vào cuối tháng 4 đã lây lan vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và lao động. Do đó, các ngành nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh, như: Vận tải hành khách, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, văn hóa, thể thao...

Với những tác động trên, gói chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp lần 2 để gúp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Trong đó có một số chính sách đang lấy ý kiến các bộ ngành như: Miễn tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (các chế độ của lao động vẫn được đảm bảo); Tiếp tục cho doanh nghiệp tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất trong 6 tháng; Sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; Hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp….

Từ phản hồi của một số bộ ngành cho thấy, rút kinh nghiệm từ gói chính sách an sinh xã hội lần 1, gói chính sách hỗ trợ lần 2 sẽ tập trung hơn. Đơn cử như chính sách tạm dừng đóng và quỹ hưu trí và tử tuất với điều kiện là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021. Còn BHXH Việt Nam đề xuất các doanh nghiệp hưởng chính sách nnày phải hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền...

Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lần 1 chỉ giải ngân đạt 22%

Trước đó, để hỗ trợ lao động (LĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tháng 4/2020, gói an sinh xã hội lần 1 trị giá gần 62.000 tỷ đồng cũng được Bộ LĐTBXH đề xuất Chính phủ ban hành. Trong đó, khoảng 35.880 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo; lao động tự do và lao động trong doanh nghiệp mất việc làm, hộ kinh doanh; khoảng 16.200 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi trả lương cho người lao động. Bên cạnh đó, còn tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất khoảng 6.500 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động 3.000 tỷ đồng (từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp).

Chú thích ảnhLấy mẫu xét nghiệp tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Bắc Giang. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ LĐTBXH, tới tháng 5/2021, gói an sinh xã hội lần 1 đã giải ngân được gần 13.100 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu.

Cụ thể, tính đến ngày 27/5/2021, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, kết quả giải ngân với nhóm người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo gần 12 triệu người, kinh phí hỗ trợ hơn 11,7 nghìn tỷ đồng. 100% các đối tượng đã được các địa phương chi trả đầy đủ.

Nhóm lao động có giao kết hợp đồng lao động được hỗ trợ là 229.499 người với hơn 258,1 tỷ đồng. Nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm hỗ trợ 1.077.515 người với hơn 1.001 tỷ đồng; Hộ kinh doanh hỗ trợ 37.317 hộ với gần tổng kinh phí 38 tỷ đồng.

Như vậy, với gói an sinh xã hội thực hiện năm 2020 có tổng số 13.190.989 đối tượng được hưởng hỗ trợ tiền mặt. Tổng kinh phí bằng tiền mặt từ ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) hỗ trợ gần 13.100 tỷ đồng.

Theo đánh giá phân tích từ các chuyên gia lao động, nhóm đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo được chi trả nhanh chóng kịp thời do có danh sách, hệ thống dữ liệu tương đối đối soát, tiêu chuẩn tương đối rõ. Còn các nhóm đối tượng còn lại việc hỗ trợ chậm do vướng nhiều thủ tục hành chính, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn hưởng vướng từ mắc nhiều khâu.

Đặc biệt, đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trực tiếp trả lời cụ thể các địa phương; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trả lời các địa phương, người dân do rất nhiều thủ tục phát sinh từ thực tế không có trong hướng dẫn. Bộ đã trả lời gần 1.000 phản ánh, kiến nghị của người dân về nhóm đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh trên Hệ thống Cổng thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp; bố trí trên 20 cán bộ thường xuyên trực kết nối với Tổng đài 111 để giải đáp vướng mắc, tiếp nhận phản án của người dân về lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu hỗ trợ còn lại đều không đạt được như kế hoạch đặt ra. Trong đó, gói 16.200 tỷ đồng cho vay trả lương chỉ cho vay được hơn 41 tỷ đồng; gói 3.000 tỷ đồng chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp không giải ngân được.

Về kết quả giải ngân chưa như dự kiến, Bộ LĐTBXH cho rằng, tại thời điểm đề xuất chính sách, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số trường hợp dự kiến hỗ trợ lớn; thời gian triển khai kéo dài; Cơ sở xác định đối tượng để hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tại các địa phương vẫn còn hiện tượng lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo không đúng tiêu chí, đã được phát hiện và chưa chi trả. Trong khi đó, điều kiện cho doanh nghiệp vay để trả lương chặt chẽ, số tiền vay thấp nên thực tế nhiều doanh nghiệp đã “nản” lòng trong quá trình tiếp cận.

Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội, năm 2020, tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề theo quyết định đã ban hành là 19.598 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2019), trong đó chi trợ cấp thất nghiệp là 19.503 tỷ đồng cho 1.087.480 lao động (tăng 30% so với năm 2019). Đáng chú ý, chỉ có 95 tỷ đồng chi cho học nghề cho thấy người lao động thất nghiệp ít mặn mà với học nghề do việc đào tạo còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người học.

Như vậy, tính tổng số tiền thông qua các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP và qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho trên 14,4 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (gồm 11,9 triệu người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trên 1,316 triệu lao động có giao kết hợp đồng lao động; trên 1 triệu lao động không có giao kết hợp đồng lao động và trên 37.300 hộ kinh doanh) với tổng kinh phí trên 32.694 tỷ đồng.

Thực tế từ gói chính sách an sinh xã hội lần 1 cho thấy, có nhiều thủ tục, vướng mắc mà cơ quan chức năng cần tháo gỡ khi thực hiện các chinh sách hỗ trợ thời gian tới. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp lần 2 đang được lấy ý kiến lần này hướng tới nhóm đối tượng cụ thể bị tác động bởi dịch COVID-19 nhưng khi triển khai cần rõ ràng, đơn giản về mặt thủ tục, giấy tờ.

Chú thích ảnh
Nguồn bài viết