Tiếp sức để ước mơ của Minh Anh không còn dang dở

3 năm trước 432
Tiếp sức để ước mơ của Minh Anh không còn dang dở - Ảnh 1.

Minh Anh trúng tuyển đại học là niềm vui của cả nhà - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong con hẻm trên đường Xóm Chiếu (quận 4, TP.HCM), căn nhà của Vũ Minh Anh, tân sinh viên ngành tài chính - ngân hàng (Đại học Tài chính - marketing), trông nhỏ bé và cũ kỹ. Nhà chỉ mới được thay vài tấm tôn và cột do phường hỗ trợ, sau khi cột cũ bị mối ăn gần hết.

Trong góc nhà, chiếc xe đẩy bằng gỗ mà vợ chồng ông Vũ Văn Hùng, cha ruột Minh Anh, dùng để bán xôi được xếp một góc bởi đã không dùng đến từ nhiều tháng nay. Không thu nhập, họ nương nhờ sự hỗ trợ của địa phương và hàng xóm.

Ước mơ dang dở

Ngoài người anh trai vừa tốt nghiệp đại học và đang đi làm xa nhà, gia đình Minh Anh gồm cha mẹ và một người chú bị bại liệt bẩm sinh sống chung. Trước dịch, cứ 3h sáng hằng ngày, ba mẹ Minh Anh dậy sớm nấu xôi, mang ra đầu ngõ bán. Việc chi tiêu, học hành của anh em Minh Anh đều trông cậy vào thu nhập từ gánh xôi của cha mẹ.

"Mình từng mong sau này được trở thành nhà thiết kế thời trang hoặc kiến trúc sư, nhưng một phần vì hoàn cảnh gia đình đã không thể đi theo con đường này", Minh Anh kể. Lớp 12, khi đưa ra quyết định cuối cùng để chọn ngành, cô đành gác lại đam mê cầm cọ dù rất tiếc nuối.

12 năm học phổ thông, cô bạn đều giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, trong đó ba năm cấp III đều đứng nhất lớp. Thời gian dịch bệnh, việc học online dù nhiều khó khăn nhưng Minh Anh luôn tìm cách chủ động chuẩn bị bài, cứ trống chút thời gian nào là cô lấy bài vở ra ôn luyện liền lúc đó. Ngoài ra, để nhớ bài kỹ hơn, cô thường tham gia thảo luận kiến thức với bạn bè.

"Cần chủ động tương tác với thầy cô, chăm làm nhiều dạng bài tập, chép lại kiến thức đã học nhiều lần thì sẽ ghi nhớ dễ dàng hơn", cô nói.

Trải lòng, cô tân sinh viên cho biết ngày nhỏ từng rất mạnh dạn, hoạt bát. Song lúc lớn lại thấy mình khép kín, chủ yếu nghe nhạc, đọc sách và dành nhiều thời gian cho sở thích hội họa. "Mình cảm nhận được sắc thái của từng gam màu, bởi chúng rất đẹp. Mỗi khi hoàn thành xong một bức vẽ, thấy thoải mái lắm", Minh Anh nói về sở thích của mình.

Cô bảo bản thân may mắn khi được thầy cô chọn vào vị trí ban cán sự lớp trong những năm học cấp III. Nhờ đó, Minh Anh có cơ hội tiếp xúc nhiều với bạn bè, rèn luyện các kỹ năng để thêm tự tin.

Gia đình không có điều kiện nên cô bạn đành bỏ dở ước mơ không chỉ một lần. Năm lớp 11, từng nhận học bổng tại một trung tâm tiếng Anh, cô buộc phải từ bỏ vì lớp học yêu cầu đóng thêm một khoản phí.

"Mình tiếc nuối lắm song nghĩ đến việc tiếp tục học mà gây khó cho gia đình, khiến ba mẹ mệt mỏi thì không nên", cô trải lòng và dự định khi ra trường sẽ kiếm công việc ổn định. Nếu có đủ tiền, cô sẽ đăng ký một khóa học vẽ để thỏa đam mê, thậm chí biến thành nghề tay trái sau này.

Mình từng mong sau này được trở thành nhà thiết kế thời trang hay kiến trúc sư, nhưng một phần vì hoàn cảnh gia đình đã không thể đi theo con đường này.

Vũ Minh Anh

Chông chênh việc học

Những ngày này, Minh Anh cùng chung nỗi lo với cha mẹ khi không biết sẽ xoay xở thế nào để có học phí. "Mình sẽ đi làm thêm, có thể là bưng bê, phục vụ để trang trải kinh phí. Ước mơ sau này sẽ làm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng", cô nói.

Biết con nhiều suy nghĩ, ông Hùng - cha ruột Minh Anh - thở dài: "Khó khăn lắm. Gia đình thuộc diện nghèo. Ngày trước hai vợ chồng tôi bán xôi, nhưng từ hồi dịch bệnh xảy ra đến giờ chúng tôi chưa bán lại".

Cha mẹ Minh Anh đều mắc nhiều bệnh nền, trong đó có tim mạch và thấp khớp. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của họ. Hằng tháng, cả hai phải uống thuốc điều trị tim mạch do bệnh viện cấp phát. Căn bệnh tim khiến họ trở mệt một cách đột ngột, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và việc buôn bán. Mẹ bạn phát hiện bệnh tim cách đây 6 năm, còn cha đã mắc bệnh hơn 10 năm trước. Bên cạnh đó, gia đình còn nuôi người chú bại liệt bẩm sinh không thể đi đứng hay giao tiếp.

"Tôi có hai người em, một đứa đã qua đời, đứa còn lại bị liệt từ lúc 3 tháng tuổi. Gia đình cũng mua thuốc men, chạy chữa nhưng không hiệu quả gì. Em tôi nằm luôn tới giờ, nói không được, nghe lúc được lúc không, chủ yếu ra dấu để trò chuyện", ông Hùng buồn rầu kể.

"Mùa dịch, hai vợ chồng cứ lay lắt sống vậy. Bà con lối xóm cũng thương, người cho cái này, người gửi cái kia sống qua ngày. Giờ coi như gói ghém để còn có sự sống", ông trải lòng.

"Bỏ ngang, tội nghiệp con"

Khi hỏi về việc lo kinh phí cho con gái đi học sắp tới, ông Vũ Văn Hùng chia sẻ: "Mong con học được là mừng, còn tiền bạc chỉ biết chạy vạy thôi chứ giờ làm sao. Nếu con chịu học và học tới nơi tới chốn thì phải lo cho nó. Làm cha làm mẹ ai cũng vậy, phải ráng thôi, chứ giờ bỏ ngang tội nó".

Tiếp sức để ước mơ của Minh Anh không còn dang dở - Ảnh 4.

Cùng báo Tuổi Trẻ tiếp sức đến trường cho các tân sinh viên khó khăn - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Uyên Uyên 'bánh bèo' vào đại học

TTO - Dù gia đình khó khăn, thời gian học tập rất ít nhưng Uyên lại có thành tích học tập rất tốt, 12 năm liền Uyên đều là học sinh giỏi, nhận được rất nhiều học bổng từ nhà trường và các nhà hảo tâm.

Nguồn bài viết