Tiếp nhận hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

2 năm trước 414
Chú thích ảnhÔng Hoàng Văn Tiến - Giám đốc Quỹ BTTEVN tiếp nhận tài trợ của Vinamilk cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: nfvc.org.vn

Theo đó, ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tiếp nhận tài trợ của các đơn vị: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) 10 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thực Phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) 550 triệu đồng; Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam 637 triệu đồng; Công đoàn Bộ Ngoại giao 100 triệu đồng. Tổng số tiền tiếp nhận lần này lên tới hơn 11 tỷ đồng.

Đồng thời, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng trao tặng 1 triệu ly sữa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thông qua Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam - chương trình do Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cùng Vinamilk thực hiện trong 14 năm qua.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà ghi nhận, đánh giá cao sự đồng hành, giúp đỡ quý báu của các đơn vị trong nhiều năm qua, nhất  là trong giai đoạn khó khăn này; cảm ơn các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chung tay, góp sức ủng hộ trẻ em trong đại dịch COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Hà khẳng định sẽ chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai các chương trình hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Lần đầu tiên trong lịch sử, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, trong đó trẻ em là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là trẻ em mắc COVID-19; trẻ mồ côi do cha mẹ bị tử vong vì COVID-19…

Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, cả nước có gần 2.500 trẻ em mồ côi do COVID-19. Hàng chục ngàn trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn do cha mẹ mất thu nhập hoặc phải theo gia đình di cư từ các thành phố lớn về địa phương. Nhiều trẻ em thiếu thiết bị học trực tuyến, thậm chí một số em có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng.

Đảng và Nhà nước đã chú trọng, quan tâm; có nhiều chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội với các đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu với Chính phủ dùng ngân sách nhà nước, ngân sách hỗ trợ trẻ em mắc COVID-19 (F0) và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19 (F1); hỗ trợ cho trẻ là con của sản phụ mắc COVID-19, trẻ có cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ tử vong vì mắc COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam huy động nguồn lực để hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch thông qua lời kêu gọi hỗ trợ “Cùng chung tay hỗ trợ trẻ em trong đại dịch”. Trước nguy cơ dịch COVID-19 lây sang trẻ em rất lớn, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã vận động nguồn lực mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 16 tuổi trở xuống để đảm bảo an toàn nhất cho trẻ em.

Nguồn bài viết