Tiêu thụ điện giảm mạnh, đặc biệt khu vực miền Nam

3 năm trước 242
Tiêu thụ điện giảm mạnh, đặc biệt khu vực miền Nam - Ảnh 1.

Tiêu thụ điện giảm mạnh - Ảnh: EVN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố thông tin số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về tình hình tiêu thụ điện. 

Cụ thể, nếu so sánh sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày trên quy mô toàn quốc, mức tiêu thụ điện quý 3 năm nay giảm 10,53% so với quý 2-2021 và giảm 4,14% so với cùng kỳ năm 2020. 

Đồng thời, nếu so sánh sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày của riêng khu vực miền Nam, mức tiêu thụ điện quý 3 năm nay giảm 23,41% so với quý 2-2021 và giảm 13,59% so với cùng kỳ năm 2020. 

EVN cho hay mức tiêu thụ điện giảm thấp như trên do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia.

Để tăng cường thông tin công khai, minh bạch về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, từ cuối tháng 9-2021, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) công bố vào cuối giờ chiều hàng ngày số liệu về dự kiến công suất nguồn điện được huy động của ngày hôm sau. 

Cụ thể, nguồn điện được huy động dự kiến sẽ theo 2 khung giờ điển hình, gồm khung giờ buổi trưa khi bức xạ mặt trời lớn nhất nhưng công suất tiêu thụ điện thấp và khung giờ chiều - tối công suất tiêu thụ điện cao nhất nhưng bức xạ mặt trời rất thấp.

Các số liệu được công bố được đăng tải trên trang web của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (https://www.nldc.evn.vn).

EVN cho rằng trên cơ sở các thông tin nguồn phát/phụ tải do Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) công bố, các chủ đầu tư nguồn điện trong hệ thống sẽ thấy được tổng thể tình hình tiêu thụ điện của cả nước, mức độ nhu cầu huy động nguồn điện tương ứng. 

Đồng thời, việc điều độ và huy động nguồn điện ngoài yêu cầu bám sát nhu cầu tiêu thụ điện của toàn quốc và từng khu vực còn phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện. 

Bao gồm các yếu tố như khả năng vận hành của các đường dây truyền tải điện, đảm bảo mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết, tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện, vấn đề chào giá trên thị trường điện... 

Ngoài ra, quá trình huy động nguồn phát điện và vận hành hệ thống điện luôn phải hướng tới mục tiêu tối ưu hóa chi phí sản xuất điện.

Giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, chi phí mua điện của EVN tăng hơn 16.000 tỉ đồngGiá nhiên liệu đầu vào tăng cao, chi phí mua điện của EVN tăng hơn 16.000 tỉ đồng

TTO - Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố cho hay, giá nhiên liệu đầu vào đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.

Nguồn bài viết