CSGT đang điều tiết giao thông tránh không tụ tập trước điểm thi THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Công chức vi phạm nồng độ cồn, chạy xe quá tốc độ sẽ bị gửi thông báo về cơ quan
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết từ hôm nay (20-6) đến hết ngày 20-9, bắt đầu triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm, trong đó tập trung phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, vượt quá tốc độ cho phép, "cơi nới" thùng xe và chở hàng quá trọng tải.
Với vi phạm về nồng độ cồn, tập trung kiểm tra xử lý trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, các tỉnh lộ ở xa khu vực đông dân cư, "điểm đen" thường xảy ra tai nạn giao thông; tuyên truyền các chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường… nhắc nhở khách hàng không lái xe sau khi uống rượu, bia.
Đối với các trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... sẽ bị gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
Với vi phạm về tốc độ, khi xử lý sẽ có các biện pháp cảnh báo, sử dụng hình thức công khai là chính, kết hợp với biện pháp bí mật. Tăng cường áp dụng biện pháp xử lý vi phạm qua hình ảnh (phạt nguội) để nâng cao hơn nữa ý thức của người tham gia giao thông.
TP.HCM còn bao nhiêu điểm đen giao thông?
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, xác định các điểm đen phát sinh mới trong 6 tháng đầu năm 2022, có đề xuất biện pháp xử lý.
Đồng thời rà soát, đề xuất công bố xóa điểm đen không tiếp tục xảy ra tai nạn giao thông sau 12 tháng theo đúng quy định, việc này được yêu cầu hoàn thành và báo cáo kết quả về Sở Giao thông vận tải vào cuối tháng 6.
Trong quý 1 năm nay, Sở Giao thông vận tải đã công bố xóa thêm 3 điểm đen tai nạn giao thông và một điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Hiện nay, TP chỉ còn lại 4 điểm đen và 18 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông.
Theo tính toán, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, hơn 1 tỉ USD do ùn tắc giao thông - Ảnh: TỰ TRUNG
Ôtô gặp khó do thiếu linh kiện
Thị trường ôtô những tháng gần đây đang rơi vào tình thế cung không đủ cầu. Nhiều mẫu xe rơi vào tình trạng khan hiếm, người tiêu dùng gặp khó khăn khi muốn mua những mẫu xe ưng ý. Các hãng xe cũng đã lên tiếng về thách thức "cung không đủ cầu".
Đại diện TC Group cho biết cơn sốt của khủng hoảng bán dẫn vẫn chưa hết nóng, khiến việc thiếu chip, linh kiện công nghệ cao vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng cung ứng sản phẩm, khiến nhiều mẫu xe như Santa Fe, Tucson ở tình trạng cầu vượt quá cung.
Sản xuất ôtô ở Việt Nam gặp khó do thiếu linh kiện
Hãng VinFast cũng nhiều tháng liền cho biết đang phải nỗ lực giải quyết các khó khăn về nguồn cung linh kiện để đẩy mạnh hơn nữa việc sản xuất và bàn giao xe cho các khách hàng đã đặt cọc từ trước.
Tương tự, nhiều mẫu xe "ăn khách" được lắp ráp trong nước như Kia Carnival, khách đặt mua phải chờ 2-3 tháng mới có xe.
Tình trạng khan hiếm linh kiện xảy ra đang là vấn đề nhức đầu với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô. Tuy nhiên, làn sóng xe điện đang phả sức nóng vào thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã rục rịch kế hoạch đầu tư nhà máy, chuẩn bị cho thời kỳ mới trong thời gian tới.
Giữa bão giá, doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng xuất khẩu
Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - cho biết thời điểm này, các doanh nghiệp ở Mỹ, các nước châu Âu và những thị trường khó tính có nhu cầu đặt các mặt hàng thực phẩm như bún, mì ăn liền, đồ uống…
Theo bà Chi, đơn hàng nhiều đến mức doanh nghiệp không dám nhận bởi vì giá thay đổi quá nhanh, nếu ký hợp đồng giá trị lớn, doanh nghiệp sẽ khó điều chỉnh khi giá thay đổi.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nhận định các doanh nghiệp sản xuất ngành lương thực, thực phẩm của TP.HCM đang "trong cơn bão giá" khi tất cả nguyên vật liệu, giá nhập khẩu đã tăng 20-30%. Tuy vậy, các doanh nghiệp của ngành này đang nỗ lực cùng TP duy trì mặt bằng giá, không để lạm phát tăng cao.
iPhone là dòng điện thoại bán chạy nhất nửa đầu năm 2022
Theo nhiều hệ thống bán lẻ, iPhone là sản phẩm điện thoại thông minh bán chạy nhất thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2022.
Nhiều mẫu điện thoại iPhone liên tục giảm giá thời gian gần đây - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Theo đó, lượng điện thoại iPhone tiêu thụ chiếm tỉ lệ phần trăm khá lớn. Có hệ thống ghi nhận iPhone chiếm tỉ lệ đến 60% tổng lượng điện thoại bán ra. Trong đó, các mẫu iPhone 11, iPhone 13 và iPhone 13 Pro Max được người dùng chọn mua nhiều nhất.
Trước đó, theo hãng IDC, iPhone 13 là điện thoại thông minh bán chạy nhất trên toàn thế giới trong quý 1 năm 2022, bất chấp việc Apple đã gặp không ít vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung trong thời gian này.
Một số hoạt động đáng chú ý trong ngày
- Hội nghị sơ kết 15 năm hoạt động trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Hội thảo "Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo đảm an sinh xã hội trong lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững".
- Tại TP.HCM, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, kỳ họp thứ 2, khóa VI (nhiệm kỳ 2021-2026).
- Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2022 (Miss Universe Vietnam) công bố vương miện Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2022 và thông tin về vòng chung kết cuộc thi vào chiều 20-6, tại Sofitel Saigon Plaza, số 17 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
- Sự kiện vinh danh Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới 2022 là sự kiện quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Bình Dương sau dịch COVID-19, diễn ra trong hai ngày từ 20 đến 21-6 tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương với chủ đề: "Phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự tăng trưởng trong cộng đồng".
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương - Ảnh: binhduong.gov.vn
ICF là diễn đàn gồm gần 200 đô thị thông minh thịnh vượng trên thế giới tiến hành nghiên cứu và đánh giá hàng trăm thành phố trên thế giới để lựa chọn ra Top 21 (Smart 21) của năm 2022 có chiến lược phát triển thành phố thông minh dựa theo bộ 6 tiêu chí của ICF.
Hội đồng giám khảo của ICF tiếp tục đánh giá những dự án cụ thể của 21 cộng đồng; lựa chọn ra Top 7 tiêu biểu nhất của năm.
Bình Dương đã 4 lần liên tiếp nằm trong Smart 21 (Smart 21) và lọt vào Top 7 lần đầu tiên năm 2021, cùng các thành phố của các quốc gia như Canada, Brazil, Úc…