Tin sáng 16-11: Việt Nam đã nhận 135 triệu liều vắc xin, tiêm 101 triệu liều

3 năm trước 243
 Việt Nam đã nhận 135 triệu liều vắc xin, tiêm 101 triệu liều - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Với số lượng vắc xin đã tiêm, hiện có khoảng 88% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi, người tiêm đủ 2 mũi đạt khoảng 48%. 

Việt Nam đặt mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 đủ mũi cho người từ 18 tuổi, hơn 9 triệu trẻ 12-17 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi trong năm 2021.

Từ sáng nay gỡ bỏ cách ly y tế huyện Yên Thế, Bắc Giang

Bắc Giang đã có quyết định gỡ bỏ cách ly y tế tại huyện Yên Thế, đây là huyện duy nhất của cả nước thực hiện cách ly y tế (từ 6-11) theo tinh thần chỉ thị 16 tính từ khi cả nước nới giãn cách, thực hiện nghị quyết 128.

Trước đó, từ ngày 1-11, Yên Thế ghi nhận chùm ca mắc từ nguồn lây ban đầu từ người đi về vùng dịch. Đến nay tổng số ca ghi nhận liên quan chùm ca này là 234 bệnh nhân.

Theo quy định hiện hành, các địa phương đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn trong nghị quyết 128 của Chính phủ và quy định 4800 của Bộ Y tế, nếu áp dụng vượt 128 và 4800 phải báo cáo. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, đến nay chưa có địa phương nào báo cáo khi áp dụng vượt quy định hiện hành.

 Việt Nam đã nhận 135 triệu liều vắc xin, tiêm 101 triệu liều - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Có lây nhiễm trong khu cách ly tập trung hay không?

Hà Nội đã ghi nhận 289 ca COVID-19 (47 ca cộng đồng) trong ngày 15-11, đây là số cao nhất trong 1 ngày từ trước đến nay tại Hà Nội. Hiện Hà Nội đã cho phép một tỉ lệ nhỏ F1 cách ly tại nhà, còn lại vẫn áp dụng cách ly tập trung.

Trước đó, thống kê cho thấy số ca mới tại khu cách ly luôn cao nhất trong 3 nhóm ca mới của Hà Nội: ngày 14-11 có 71/119 bệnh nhân ở khu cách ly; 13-11 có 76/146 ca là từ khu cách ly; 12-11 ghi nhận 109/165 ca là trong khu cách ly...

Số liệu trên cho thấy đang có nguy cơ rất lớn từ các khu cách ly tập trung và cần có giải pháp tránh làm bùng nổ số ca mắc và từ đó nguy cơ vượt khả năng chăm sóc, điều trị của hệ thống y tế.

Trước đó, Bộ Y tế đã có thông báo đề nghị tăng cường cho phép cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà.

 Việt Nam đã nhận 135 triệu liều vắc xin, tiêm 101 triệu liều - Ảnh 3.

Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TP.HCM dự kiến tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ từ ngày 22-11

Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM vừa gửi công văn cho Sở Y tế về việc tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 cho học sinh từ 12-17 tuổi năm học 2021-2022.

Theo đó, căn cứ nội dung họp rút kinh nghiệm công tác tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 ngày 10-11 và nhằm đảm bảo thời gian hoàn thành mũi 2 theo quy định, sở đề nghị thời gian tiêm mũi 2 cho học sinh TP bắt đầu từ ngày 22-11.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến ngày 15-11 đã có 662.838 trẻ trên tổng số 668.473 đã tiêm mũi 1, đạt 99,2%. 

Ghi nhận có trên 54 trẻ phản ứng nhẹ sau tiêm, tất cả đều được xử lý kịp thời và an toàn. Hiện một số quận, huyện vẫn đang triển khai tiêm vét cho các trẻ hoãn tiêm.

 Việt Nam đã nhận 135 triệu liều vắc xin, tiêm 101 triệu liều - Ảnh 4.

Nhân viên y tế quận Sơn Trà đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân - Ảnh: LÊ THÚY

TP.HCM lập 10 đoàn kiểm tra chăm sóc, cấp thuốc cho F0

Trước phản ảnh một số F0 không được chăm sóc, điều trị sau khi liên lạc với một số cơ sở y tế và nhiều bệnh nhân không nhận được túi thuốc điều trị, đặc biệt là túi thuốc C, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đã nắm bắt tình hình và có văn bản nhắc nhở.

Đồng thời, sở đã lập 10 đoàn kiểm tra để đánh giá thực tế, hướng dẫn, chấn chỉnh các địa phương.

Trước đó, ngày 13-11, Sở Y tế đã làm việc với các giám đốc trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức để quán triệt lại việc chăm sóc F0 tại nhà, nhất là các F0 đủ điều kiện nhận túi thuốc C nhưng chưa được cấp kịp thời. Nếu địa phương, trạm y tế không phát thuốc cho bệnh nhân thì sẽ bị xử lý theo quy định.

Thông tin cho biết thêm, trừ túi thuốc A, các túi thuốc B, C là 2 túi thuốc cần có chỉ định của bác sĩ và không phải F0 nào cũng có thể sử dụng. Trong giai đoạn này, TP đủ thuốc để cung ứng cho F0 có chỉ định sử dụng.

Hiện TP.HCM có khoảng 47.000 ca F0 trên tổng số 64.000 ca, chiếm 73%. Riêng tuần vừa qua, số ca F0 tại TP có gia tăng, tập trung hầu hết ở các quận, huyện vùng ven và là công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, một số khu nhà trọ - thông tin từ HCDC.

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội tối 15-11 thông báo trong 24 giờ qua phát hiện thêm số kỷ lục: 289 ca COVID-19 mới. Trong số này có 47 ca cộng đồng. 289 ca nhiễm mới có 161 ca đã tiêm 2 mũi vắc xin, 25 ca đã tiêm 1 mũi, 72 ca chưa đến tuổi tiêm chủng. Cộng dồn trong đợt dịch thứ 4 là 6.331 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.318 ca.

- Hà Giang số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh trong ngày 14-11 là 131 ca, trong đó tại cộng đồng là 5 ca. Tính đến ngày 15-11, Hà Giang ghi nhận 3.322 ca F0, trong đó có 568 ca cộng đồng. Tính đến ngày 15-11, toàn tỉnh đã truy vết được 17.422 F1.

- Nam Định tính từ thời điểm xuất hiện dịch COVID-19 đến ngày 15-11 ghi nhận 732 ca COVID-19 (193 ca tại cộng đồng). Trong ngày 15-11, Nam Định ghi nhận 10 ca dương tính. Hiện các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Nam Định đang cách ly, điều trị 353 bệnh nhân.

- Ngày 14-11, Quảng Ninh có thêm 47 ca COVID-19. Xuất hiện ổ dịch mới ở Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (đến nay có 29 ca F0), nơi có đông công nhân sinh sống ở nhiều địa phương trong tỉnh khiến ổ dịch lan nhanh. Đến nay, các địa phương đã truy vết được 303 ca F1, test nhanh trên 9.000 người, PCR được 2.600 người.

- Thái Bình từ ngày 10 đến 15-11 ghi nhận 356 ca COVID-19, trong đó có 27 ca liên quan đến các ca bệnh xâm nhập vào tỉnh và 73 ca cộng đồng. Đến nay Thái Bình đã hoàn thành trên 1,1 triệu mũi tiêm, trong đó gần 125.300 người tiêm đủ 2 mũi, trên 1 triệu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.

- Đà Nẵng cho biết từ 13h ngày 14-11 đến 13h ngày 15-11 ghi nhận 13 ca COVID-19, trong đó có 2 ca cộng đồng. Tính từ ngày 16-10 đến nay, thành phố ghi nhận 299 ca COVID-19, trong đó 46 ca về từ ngoại tỉnh. Đà Nẵng đã tiêm 1.377.387 liều vắc xin COVID-19, trong đó 903.604 người tiêm mũi 1 và 473.783 người tiêm mũi 2.

- Bình Thuận trong ngày 15-11, toàn tỉnh có 342 ca mắc mới. Tính từ ngày 27-4 đến nay, tỉnh ghi nhận 9.120 ca COVID-19, trong đó thành phố Phan Thiết có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 3.893. Bình Thuận hiện được phân loại dịch cấp độ 3 (vùng cam).

- Đắk Lắk trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 46 ca COVID-19, đây là số mắc thấp nhất trong ngày được ghi nhận trong 7 ngày qua. Tính đến ngày 11-11, toàn tỉnh đã tiêm 1.227.909 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 1.098.538 liều (đạt 82,29%), tiêm mũi 2 là 129.371 liều (đạt 9,7%). Đến chiều 15-11, tỉnh ghi nhận 6.118 ca COVID-19, trong đó đang điều trị 2.605 người, có 36 ca tử vong.

- Bình Phước đến ngày 15-11 ghi nhận 3.445 ca COVID-19, trong đó 1.526 ca đang điều trị, có 15 người tử vong. Bình Phước vừa quyết định phê duyệt đề án tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19.

- Sau thời gian mở cửa trở lại các hoạt động, số ca COVID-19 ở Lâm Đồng liên tục tăng mạnh, đến nay đã hơn 1.000 ca. Hiện tỉnh đạt tỉ lệ bao phủ vắc xin mũi 1 là 96,2% và mũi 2 là 44% cho những người từ 18 tuổi trở lên.

- Vĩnh Long trong 14 ngày qua toàn tỉnh ghi nhận 1.790 ca mới, so với 14 ngày trước tăng 1.521 ca, trong đó ca cộng đồng tăng 915 ca, sàng lọc tại cơ sở y tế tăng 199 ca. Bình quân mỗi ngày, tỉnh ghi nhận 128 ca mắc mới, cao điểm có ngày ghi nhận gần 300 ca. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 4.809 ca, trong đó có 51 người tử vong.

- Đồng Tháp liên tục tăng với hơn 300 ca/ngày. Ngày 15-11, tỉnh ghi nhận 383 ca mới, trong đó có 10 ca về từ vùng dịch, 62 ca trong cộng đồng. Số bệnh nhân xuất viện là 181 người, có 2 ca tử vong.

- Bạc Liêu tính đến 6h ngày 15-11, lũy kế trên địa bàn tỉnh ghi nhận 7.258 ca dương tính (trong đó có 52 ca nhập cảnh); đang cách ly điều trị 3.404 ca; số ca đã bình phục 3.787 ca; tử vong 67 ca. Trong 24 giờ qua, địa bàn ghi nhận 298 ca dương tính.

 Châu Á mở cửa, châu Âu tăng cường vắc xinCOVID-19 thế giới 16-11: Châu Á mở cửa, châu Âu tăng cường vắc xin

TTO - Trong khi các nước châu Á đang tiếp tục mở cửa với người nước ngoài, doanh nhân, du khách thì tại các nước châu Âu, ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh tiêm vắc xin COVID-19 do mùa đông đang đến gần.

Nguồn bài viết