Người dân Indonesia đến tiêm ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm ở ngoại ô Jakarta ngày 30-6 - Ảnh: REUTERS
Anh Gerry Casida nằm trong danh sách ưu tiên tiêm ngừa COVID-19 ở Philippines vì bị bệnh suyễn, tuy nhiên anh quyết định không đi tiêm vì đọc các thông tin trên mạng xã hội.
"Tôi đọc nhiều bài đăng trên Facebook rằng có nhiều người chết ở các nước vì vắc xin và thông tin bị che giấu" - anh Casida nói.
Hàng triệu người ở châu Á cũng giống Casida, bị dọa bởi những thông tin sai lệch về vắc xin, làm ảnh hưởng đến nỗ lực tiêm ngừa tại khu vực.
Tại Philippines, dù có tỉ lệ ca mắc COVID-19 mới cao ngất ngưởng, các khảo sát mới đây cho thấy người dân ở nhiều nơi không muốn tiêm vắc xin.
Theo khảo sát của tổ chức Social Weather Stations, có đến 68% dân số Philippines không chắc chắn hoặc không muốn tiêm ngừa. Tại Thái Lan, 1/3 người dân từ chối tiêm vắc xin, theo khảo sát của Suan Dusit, trong khi theo một khảo sát khác, tỉ lệ này tại Indonesia là 1/5.
"Đây là bối cảnh truyền thông đã bị ô nhiễm. Thông tin sai lệch về vắc xin gieo rắc nỗi sợ hãi cho mọi người" - bà Melissa Fleming, phó tổng thư ký phụ trách truyền thông toàn cầu của Liên Hiệp Quốc, nói.
Trong số nhiều nhóm thảo luận chống vắc xin trên mạng xã hội mà Hãng tin Bloomberg tìm hiểu, một nhóm tại Philippines cho rằng những người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ bị "đóng dấu của quái vật".
Còn tại Malaysia, những thông tin như vắc xin gây nguy hiểm đến nội tạng, biến đổi gene đang tràn lan trên ứng dụng WhatsApp. Nhiều thuyết âm mưu khác cũng rất phổ biến là vắc xin có chip siêu nhỏ để lấy thông tin sinh trắc học của người được tiêm.
Một người dân ở Indonesia được tặng gà sau khi tiêm ngừa COVID-19 ngày 15-6 - Ảnh: REUTERS
Chính phủ nhiều nước đã vất vả để thuyết phục người dân tin vào vắc xin. Chẳng hạn, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin phải lên tiếng khẳng định rằng vắc xin rất an toàn và không có chứa chip siêu nhỏ.
Trong khi đó, Chính phủ Singapore hồi tháng 5-2021 nhanh chóng tuyên bố giải thích sau khi một nhóm bác sĩ đặt câu hỏi về việc liệu vắc xin sử dụng công nghệ mRNA có làm biến đổi gene hay không.
"Với tư cách là một bác sĩ, tôi rất thất vọng trước sự thiếu khoa học và thiếu chuyên nghiệp trong cách diễn giải bằng chứng khoa học và cư xử của những bác sĩ này. Nó tạo ra sự hoang mang, sợ hãi trong công chúng, đồng thời tuyên truyền những điều hoang đường, sai sự thật" - ông Koh Poh Koon, quan chức y tế cấp cao Singapore, nói.
Ngoài ra, việc có ít lựa chọn về vắc xin cũng khiến người dân nơi đây nảy sinh tâm lý chờ đợi thêm.
Để khuyến khích người dân, tại một số nước như Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte thậm chí dọa sẽ bỏ tù những người không đi tiêm, còn một số vùng nông thôn ở Indonesia tặng gà cho người đến tiêm ngừa.
Tại Hong Kong, tặng phiếu mua sắm, vé máy bay và thậm chí treo thưởng cả một căn hộ trị giá 1,4 triệu USD cho người đi tiêm rút thăm may mắn.
"Vũ khí lớn nhất mà virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang có để chống lại con người là sự do dự về vắc xin và sự thiếu phản ứng phối hợp trên toàn thế giới. Những vũ khí đó đang khiến cho COVID-19 chiến thắng một cách khó tin" - bác sĩ Leong Hoe Nam thuộc Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, Singapore nói.