Thực hiện hiệu quả hai chính sách an sinh xã hội lớn của đất nước

3 năm trước 937

 

Chú thích ảnhNgười dân có thẻ BHYT làm thủ tục khám, chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội

Sáu kết quả nổi bật của ngành bảo hiểm xã hội trong năm 2020 đã được Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nêu lên, trong đó, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất là mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới bao phủ toàn dân và công tác thu. Ngành đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu theo Nghị quyết và kế hoạch được giao, đặc biệt là độ bao phủ bảo hiểm y tế.

Chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế có bước tăng trưởng ấn tượng. Số người tham gia bảo hiểm y tế khoảng 88 triệu người, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020), vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn.

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội cũng được mở rộng với hơn 16,164 triệu người tham gia, đạt 32,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi và cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 mà Nghị quyết số 28-NQ/TW (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội) đặt ra. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 13,324 triệu người, đạt 27% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 29% so với năm 2015.

Lý giải về việc vượt nhanh và hoàn thành các chỉ tiêu trên trong điều kiện kinh tế khó khăn, người lao động mất việc làm, số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm xuống, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội nỗ lực cùng các ngành, các cấp tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đẩy mạnh thông tin truyền thông, thực hiện các giải pháp đồng bộ để đạt được chỉ tiêu. Năm 2021 và các năm tiếp theo, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc này.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra điện tử

Liên quan đến công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, các chỉ tiêu thu năm 2020 đã hoàn thành vượt dự toán của Chính phủ giao, đạt 101%. Sở dĩ, số người tham gia bảo hiểm xã hội giảm xuống nhưng số thu lại hoàn thành vượt mức là do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung cho công tác thu nợ. Ngành Bảo hiểm xã hội đã quyết liệt phối hợp với các ngành, các cấp, cơ quan công an, cơ quan thuế để thu nợ, đưa số nợ bảo hiểm xã hội giảm xuống ở thời điểm hiện nay chỉ còn hơn 3% so với tổng thu. Đây là con số rất ấn tượng khi cả một thời gian dài trước đây, số nợ bảo hiểm xã hội thường chiếm trên 5% tổng thu.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mở rộng độ bao phủ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, dẫn đến tăng số thu. Một giải pháp khác mà ngành áp dụng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội. Năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết, không có dấu hiệu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đổi mới một cách toàn diện, chuyển từ thanh tra truyền thống đi đến các đơn vị, doanh nghiệp, sang tập trung thanh tra, kiểm tra trên cơ sở dữ liệu đã có để phân tích rủi ro. Từ đó, phát hiện những rủi ro để đôn đốc, cảnh báo các tổ chức, doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội phải thực hiện kê khai đầy đủ.

“Trường hợp cần thiết, có dấu hiệu sai phạm, cơ quan Bảo hiểm xã hội mới tiến hành thanh tra trực tiếp. Năm 2021 và những năm tiếp theo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này và chuyển sang phương thức thanh tra, kiểm tra điện tử trên cơ sở dữ liệu hiện có”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.

Bảo đảm lợi ích người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế luôn được ngành đảm bảo một cách tốt nhất. Người dân được hưởng thụ đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Điều này thể hiện qua việc ngành Bảo hiểm xã hội liên tục điện tử hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tạo điều kiện tối đa cho người dân hưởng thụ các chính sách một cách thuận lợi nhất.

Vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã công bố ứng dụng bảo hiểm xã hội số - VssID. Hiện, người dân ở 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khi đi khám bệnh bảo hiểm y tế không phải sử dụng thẻ giấy mà chỉ cần sử dụng điện thoại di động có cài phần mềm VssID là có thể thực hiện tất cả các thủ tục. Người dân cũng có thể ngồi nhà thực hiện thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán tiền đóng bảo hiểm xã hội… qua mạng một cách thuận lợi.

Trong điều kiện lũ lụt, dịch bệnh, việc chi trả bảo hiểm xã hội, đặc biệt là trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện linh hoạt với các hình thức chi trả tại nhà. Trong đợt dịch COVID-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng vào cuối tháng 7/2020, cán bộ bảo hiểm xã hội đã căng mình đảm bảo chi trả đầy đủ lương hưu tại nhà cho người thụ hưởng. Đồng thời, ngành phối hợp với ngành Y tế linh hoạt trong việc cấp thuốc các bệnh mãn tính. Nếu như trước đây, thuốc được cấp một tháng một lần thì trong đợt dịch COVID-19 và bão lũ đã thực hiện cấp liền 2 tháng. Việc chuyển tuyến, chuyển viện cũng được thực hiện rất linh hoạt, mặc dù chính sách lúc đó chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Tháng 2/2021 trùng vào dịp Tết nguyên đán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo toàn hệ thống chi trả tiền lương hưu liền 2 tháng cho người thụ hưởng.

Bên cạnh việc linh hoạt trong công tác chi trả, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tăng cường chống trục lợi về bảo hiểm xã hội, chống lãng phí trong sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

"Chống được lãng phí, trục lợi, chính là tăng cường nguồn lực để đầu tư, tăng thêm lợi ích cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế", ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết.

Nguồn bài viết