Thừa Thiên - Huế hướng tới đô thị di sản giàu bản sắc, thông minh

7 tháng trước 63
Chú thích ảnhDu khách tham quan Đại nội Huế. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Những định hướng chiến lược

Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 700 năm, Thừa Thiên - Huế là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển nhanh, bền vững. Cùng với những tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biển, đầm phá với hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, cảng nước sâu Chân Mây, Thừa Thiên - Huế còn là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, sở hữu hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phong phú; gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa; hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng… Vì vậy, Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định tổ chức không gian phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang kinh tế Bắc - Nam và đô thị hướng biển; thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng.

Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%; thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, người dân có thẻ bảo hiểm 100%, xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Thừa Thiên - Huế hình thành 3 trung tâm đô thị, gồm: Đô thị trung tâm (gồm thành phố Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà), Đô thị vùng Tây Bắc (gồm thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới), Đô thị vùng Đông Nam (gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông). Tỉnh phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây và đô thị hướng biển; các trung tâm động lực: thành phố Huế, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu công nghiệp Phong Điền.

Phát triển kinh tế Thừa Thiên - Huế theo hướng hiện đại, kinh tế xanh, kinh tế số, bền vững, có lợi thế với cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với không gian phát triển đặc thù của thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là Quần thể di tích Cố đô Huế; hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực; kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây và đô thị hướng biển, thúc đẩy liên kết nội vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững, tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh. Đồng thời, quy hoạch từng bước tháo gỡ những "điểm nghẽn", giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.

Sớm hiện thực hóa Quy hoạch

Chú thích ảnh Cồn Dã Viên có hình thoi dài, nằm ở đoạn trung lưu sông Hương, phía tây nam Kinh thành Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Ngay sau khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã tiến hành công bố rộng rãi, nhằm giúp các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thống nhất trong nhận thức, hành động để tổ chức triển khai thực cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho biết, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; mở ra không gian phát triển mới, cơ hội mới. Để hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch, tỉnh khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện quy hoạch. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, Mặt trận đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để tạo sự thống nhất cao trong quá trình thực hiện. Tỉnh cam kết nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng; biến tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực; đồng thời luôn lắng nghe, chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Ngoài ra, tỉnh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng".

Có thể khẳng định, Quy hoạch tỉnh là tiền đề và cơ sở quan trọng để Thừa Thiên - Huế mở rộng thu hút đầu tư nhằm tạo thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tỉnh vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 11 dự án có tổng số vốn gần 9.000 tỷ đồng; trao văn bản nghiên cứu cho 10 dự án với số vốn khoảng 120.000 tỷ đồng trong các lĩnh vực hạ tầng, du lịch, cơ khí, năng lượng, logistics, nhà ở, giáo dục, y tế, dữ liệu số...

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho rằng, cơ hội đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa bao giờ tốt như ngày nay. Với sự quyết tâm và tinh thần cầu thị, lãnh đạo các cấp tỉnh đã tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi; khẳng định Thừa Thiên - Huế là điểm đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế với mục tiêu phát triển bền vững, gắn bó và lâu dài.

Quan điểm của tỉnh là tập trung huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư; thúc đẩy dịch vụ, du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn các giá trị di tích, di sản của quốc gia và thế giới; ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và động lực tăng trưởng bền vững.

Quyết tâm sớm hiện thực hóa các mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ tạo động lực giúp địa phương "cất cánh" lên một tầm cao mới và đáp ứng được khát vọng trở thành đô thị có bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và bền vững.

Nguồn bài viết