Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong cuộc phỏng vấn hẹp với báo chí tại Hà Nội vào ngày 13-6 - Ảnh: DANH KHANG
Mô tả chuyến thăm từ ngày 10 đến 13-6 là "rất hiệu quả", bà Sherman cho biết đã gặp gỡ và thảo luận với phía Việt Nam nhiều vấn đề có ý nghĩa với quan hệ song phương như thương mại và phát triển kinh tế, hợp tác năng lượng sạch và y tế, các vấn đề an ninh trong đó có an ninh hàng hải.
Đánh giá cao vai trò của Việt Nam
"Việt Nam và Mỹ là những đối tác tin tưởng vào nhau. Chúng ta bắt đầu với việc giải quyết hậu quả chiến tranh và ngày nay lĩnh vực mà hai nước hợp tác đã mở rộng hơn thế", nhà ngoại giao số 2 của Mỹ nêu vấn đề trong cuộc gặp gỡ báo giới tại Hà Nội.
Theo bà Sherman, Việt Nam là "một lãnh đạo quan trọng không thể bàn cãi tại khu vực". Vì lẽ đó, Washington "rất vui mừng" khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN vào tháng 5 vừa qua.
"Ngài ấy không chỉ là một lãnh đạo tuyệt vời trong các cuộc thảo luận về quan hệ Mỹ - ASEAN mà còn có một chương trình nghị sự hay để thúc đẩy quan hệ song phương, giúp quan hệ hai nước sâu sắc hơn nữa", bà chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về các ưu tiên hàng đầu sắp tới trong hợp tác với Việt Nam, thứ trưởng ngoại giao Mỹ cho biết dù COVID-19 đang dần thành bệnh đặc hữu nhưng hợp tác nhằm đảm bảo an ninh y tế vẫn sẽ được thúc đẩy. Một ưu tiên nữa là hợp tác chống biến đổi khí hậu vì lĩnh vực này có liên quan đến an ninh y tế.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có các trận dịch hoặc bệnh quy mô toàn cầu khác xảy ra do biến đổi khí hậu", bà Sherman giải thích.
"Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26", nhà ngoại giao Mỹ khẳng định.
Việc giúp Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời thay cho nhiệt điện than, theo bà Sherman, là việc nằm trong lợi ích của Mỹ bởi vì "không khí không bao giờ ở yên một chỗ".
Trong năm nay, Mỹ sẽ hỗ trợ hơn 5 triệu USD để lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng mặt trời tại một trang trại điện mặt trời ở miền Trung của Việt Nam. Hệ thống lưu trữ này sẽ giúp duy trì cung cấp điện vào những ngày trời không nắng, từng bước giảm nhu cầu vào nhiệt điện than.
"Khi Việt Nam thành công, Mỹ cũng sẽ thành công và ngược lại", bà nói về việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Mỹ cam kết IPEF minh bạch và cởi mở
Trả lời câu hỏi về tương lai của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), một sáng kiến do Mỹ khởi xướng, bà Sherman cho biết ý tưởng này nhằm mục đích "mang lại thịnh vượng cho tất cả các quốc gia".
Theo bà, sự thành công của IPEF "sẽ được quyết định bởi các quốc gia đã tham gia lễ khởi động quá trình thảo luận" hồi tháng 5 vừa rồi trong đó có Việt Nam, 6 nước ASEAN khác cùng Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Trong một câu hỏi khác của báo chí về IPEF, bà ví von 13 nước này giống như những người đang ở tầng trệt của một tòa nhà và họ sẽ cùng nhau xây dựng các khuôn khổ, quy tắc cho từng trụ cột của IPEF. Những nước này có vai trò rất quan trọng, bởi những gì họ xây dựng cần đạt được sự bền vững theo thời gian để công dân nước gia nhập sau cũng có thể hưởng lợi.
Liên quan IPEF, trong cuộc họp báo ngày 26-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Hà Nội chưa phải là một thành viên và việc có tham gia hay không phụ thuộc vào kết quả thảo luận.
"Việc thảo luận nhằm đem lại một chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước, hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng cho khu vực và thế giới", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng giải thích thêm.
Bên cạnh thông tin về IPEF, nhà ngoại giao Mỹ cũng nói về việc hợp tác khắc phục di sản chiến tranh ở Việt Nam và các lĩnh vực hợp tác khác.
Tại Hà Nội, bà thông báo Mỹ sẽ hỗ trợ thêm 19 triệu USD cho các nỗ lực rà phá bom mìn chưa phát nổ sau chiến tranh, 15 triệu USD cho dự án chống buôn bán động vật hoang dã và hợp tác với Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2027 với ngân sách dự trù 50 triệu USD.
Thảo luận xây dựng chuỗi cung ứng
Trong hai ngày ở TP.HCM, bà Sherman đã gặp Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các doanh nghiệp để thảo luận về xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, đầu tư vào năng lượng sạch và các sáng kiến chống biến đổi khí hậu.
Tại cuộc gặp với bà Sherman, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước, sẵn sàng tham gia làm nhân tố thúc đẩy quan hệ song phương thông qua các hợp tác cấp địa phương.
Ông Nên hoan nghênh các doanh nghiệp Mỹ đến đầu tư, đặc biệt là về công nghệ cao, đô thị thông minh, y tế, tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo.
Trong chuyến thăm TP.HCM, bà Sherman đã tham quan sông Sài Gòn cùng các nhà hoạt động môi trường địa phương để tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm nguồn nước ở phía Nam Việt Nam.