Thứ trưởng Bộ Công thương: Chúng tôi cảnh báo nhiều, xin doanh nghiệp đừng tự đưa mình vào rủi ro

2 năm trước 200
 Chúng tôi cảnh báo nhiều, xin doanh nghiệp đừng tự đưa mình vào rủi ro - Ảnh 1.

Việc đưa hàng lên biên giới qua hình thức trao đổi cư dân biên giới tiềm ẩn rủi ro - Ảnh: C.TUỆ

Thông tin về tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới, ông Khánh cho hay đã diễn ra từ trước nhưng các xe vẫn được thông quan. Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng xuất hiện khi Trung Quốc bắt đầu có ca mắc mới, siết chặt quản lý gồm cả khu vực cửa khẩu.

Thực tế, đến ngày 3-1-2022, vẫn còn 8/76 cửa khẩu và lối mở được thông quan gồm 4 cửa khẩu chính và 4 cửa khẩu quốc tế. Có những cửa khẩu rất quan trọng với xuất khẩu trái cây Việt Nam như Kim Thành, Tân Thanh, Cốc Nam…

Trước tình hình đó, Chính phủ, bộ ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đàm phán, hỗ trợ doanh nghiệp, tìm cách đưa hàng tồn ở Tân Thanh, Cốc Nam chuyển sang xuất khẩu chính ngạch và qua đường biển. Nhờ đó giảm hàng nghìn xe tồn, song cũng "không thể cải thiện được tình hình nhanh chóng".

Riêng với xuất khẩu thanh long, do lượng xuất khẩu rất lớn, chủ yếu bán cho thương lái để xuất lên biên giới, ông Khánh cho hay từ nhiều năm nay đã luôn có cảnh báo, đề nghị xuất khẩu chính ngạch.

Bởi đây là loại trái cây có thể xuất chính ngạch, có thể đi bằng đường biển, đường sắt, rất thông thoáng, thay vì tập trung vào cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hay các cửa khẩu phụ, lối mở vốn là những địa điểm sẽ bị đóng đầu tiên.

"Tôi đã từng nói nhiều lần, xin doanh nghiệp đừng xuất khẩu tiểu ngạch, xin đừng tự mình đưa mình vào rủi ro như vậy nữa, sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Chúng ta đi chính ngạch, đi bằng đường sắt, thì câu chuyện ùn tắc này được tháo gỡ" - ông Khánh nêu.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao cảnh báo nhiều, liên tục từ nhiều năm nhưng vẫn chủ yếu xuất khẩu qua đường trao đổi cư dân biên giới (đường tiểu ngạch), theo ông Khánh là do hàng hóa của ta một số chưa đủ chuẩn để xuất khẩu chính ngạch.

Cũng bởi Trung Quốc đặt ra yêu cầu đăng ký mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp đóng gói. Đơn cử, một loại trái cây xuất khẩu chính ngạch phải được ghi rõ trồng khu vực nào, đóng gói cơ sở nào, khử trùng khử khuẩn ra sao, bao gói đúng quy chuẩn xuất khẩu.

Sản phẩm cũng phải đáp ứng yêu cầu xin giấy chứng nhận kiểm dịch, quy trình sản xuất an toàn COVID-19. Trong khi theo hình thức trao đổi cư dân biên giới, người dân chỉ cần mang lên biên giới bán ở chợ, chuẩn quy định hạ thấp hơn.

Một yếu tố nữa là đến nay, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Việt Nam mới đàm phán, xuất khẩu được 9 loại quả vào thị trường này, nên chủ yếu xuất khẩu đều theo hình thức trao đổi cư dân biên giới.

Thêm nữa, thông qua hình thức trao đổi cư dân biên giới, thương nhân Trung Quốc sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, giảm thuế 8-9%, tạo khoảng chênh lệch nhất định giúp thương nhân sử dụng hình thức này. Việc này dẫn tới xuất khẩu hoa quả dần phụ thuộc vào hình thức trao đổi cư dân.

Ngoài ra là yêu cầu đàm phán nghị định thư kiểm dịch thực vật bởi mỗi loại quả có quy trình kiểm dịch thực vật cũng còn hạn chế. Hiện ngành nông nghiệp đã tích cực đàm phán nhưng 2 năm qua chưa ký thêm nghị định thư mới nên xác suất kiểm tra với hàng nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn.

 Thủ tướng: 'Ùn tắc ở biên giới là câu chuyện muôn thuở, cần phải làm bài bản'

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyện ùn tắc nông sản ở biên giới là câu chuyện muôn thuở, năm nào cũng xảy ra, do đó ngành nông nghiệp cần phải làm bài bản từ khâu quy hoạch, dự báo thị trường và xuất khẩu chính ngạch.

Nguồn bài viết