Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần 5: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định

1 năm trước 114
 Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: NAM TRẦN

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần 5 vào chiều 17-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ý kiến của chuyên gia, bộ ngành tại diễn đàn đều “đúng và trúng”. Ông đề nghị tất cả hệ thống chính trị, cơ quan, doanh nghiệp, người dân phải vào cuộc.

"Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết thống nhất, chung tay đồng lòng. Phải quyết tâm đoàn kết, đồng lòng chung sức làm với tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng khẳng định lại quan điểm Việt Nam không hy sinh tiến bộ công bằng, xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Với năm 2022, Thủ tướng cho hay chúng ta khẳng định đến giờ này, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường lao động bị đứt gãy trong đại dịch COVID-19 đã được khắc phục.

Thủ tướng nhận định năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành trên tinh thần “đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”.

Đồng thời nhấn mạnh một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, lựa chọn công việc ưu tiên vấn đề phù hợp với tình hình; tích cực, chủ động, phản ứng chính sách kịp thời; các bộ, ngành phải xem công việc của người dân, doanh nghiệp như công việc của mình.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, ổn định thị trường ngoại hối, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn.

Điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò nòng cốt của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả.

Theo đó, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế.

Sửa đổi, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực mới như kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; chống chuyển giá, trốn thuế.

Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; chủ động có phương án khi các nước áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; siết chặt kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.

Thủ tướng cũng đề cập việc chú trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.

“Thị trường phải bảo đảm hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư. Theo tinh thần 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' và theo đúng quy định pháp luật...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Phó chủ tịch TP.HCM nói về việc Phó chủ tịch TP.HCM nói về việc 'có tiền mà không tiêu được' và 'muốn làm mà không có tiền'

TTO - Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, việc "có tiền mà không tiêu được" và "muốn làm mà không có tiền" là do chính sách hiện nay ôm quá nhiều, kể cả dự án đầu tư về xã hội. Do đó cần giải pháp để hướng dẫn, thay đổi.

Nguồn bài viết