Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều nay 5-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, khách quan và có hiệu quả.
Theo người đứng đầu Chính phủ, ban đầu diễn đàn đã đề xuất chọn một đề tài khác nhưng trong bối cảnh hiện nay, ông cho rằng việc khẳng định xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ rất quan trọng.
Qua kinh nghiệm và 35 năm Đổi mới, trải qua nhiều biến cố từ yếu tố bên ngoài và cả nội tại, đặc biệt hơn hai năm chống dịch và biến động, Việt Nam vẫn giữ ổn định trong thế giới biến động. Điều này đã thể hiện sự tự tin của kinh tế Việt Nam vừa độc lập tự chủ, vừa chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả.
"Đây là chủ đề vừa có tính chất cơ bản, lâu dài nhưng thời sự, giải quyết những vấn đề căn cốt và cả mang tính tình thế", Thủ tướng lý giải về cách chọn chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức cần thiết. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một yếu tố then chốt để bảo đảm độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc. Đó cũng là cách thức hiệu quả để nâng cao thế và lực của đất nước, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; là phương thức hữu hiệu góp phần giải quyết những vấn đề nội tại đặt ra đối với nền kinh tế.
“Chúng ta phải dựa trên nền tảng bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thì mới phát triển kinh tế tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa là bạn bè tốt vì hợp tác và phát triển. Và cũng là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tầm nhìn của Việt Nam là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp phát triển hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Chúng ta cần cụ thể hóa mục tiêu này, đơn cử như xây dựng nền kinh tế có công nghiệp nền tảng, có công nghiệp về chế biến chế tạo, có công nghiệp về vật liệu xây dựng…”, Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam luôn chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với một nền kinh tế có độ mở lớn, lên đến gần 200% GDP, chịu tác động, ảnh hưởng nhanh, nhạy trước các cú sốc bên ngoài, khả năng hấp thụ, nội lực hóa ngoại lực còn hạn chế, Việt Nam tự tin hội nhập nhưng không chủ quan. Việt Nam vẫn phải tiếp tục cấp thiết xử lý các thách thức đối với phát triển bền vững, chủ động huy động hiệu quả các nguồn lực, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động, khó dự báo hiện nay...
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế khi hội nhập, đan xen trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt các lợi thế hội nhập để phục hồi nhanh và bền vững. Có mục tiêu liên quan đến xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với các nhiệm vụ này là xây dựng phòng tuyến an ninh quốc phòng, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Luôn xác định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững lạm phát và các nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế như vốn, lãi suất, giá, thị trường tiền tệ… "Kinh nghiệm khi chúng ta đánh mất ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta mất thế chủ động. Kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, quản lý nợ công, bội chi…", Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.
Thủ tướng cho biết hiện đã kiểm soát được những thị trường như thị trường vốn, trái phiếu… Dù vậy, thời gian qua đã có những "sơ hở" nhưng đã được phát hiện và có biện pháp xử lý ngay, điều tiết linh hoạt làm lành mạnh hóa thị trường, phát triển ổn định an toàn bền vững.
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là không lựa chọn nền kinh tế đóng mà kiên trì kiên định nền kinh tế mở, đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất hiệu quả. Đồng thời tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và tuân thủ pháp luật.