Vừ A Bằng mang phiên bản tượng đài chiến thắng Điện Biên ra tặng các đảo ở Trường Sa - Ảnh: L.Đ.DỤC
Chiếc ôtô đang gầm gừ leo dốc. Vừ A Bằng quay sang nói đợi tí rồi dừng xe nhảy xuống. Anh trông thấy đường ống dẫn nước của bản bị tuột khớp nối, nước ào ào ra mặt đường.
Người luôn chọn phía khó khăn
Hình ảnh ông Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) dừng xe, nối lại đoạn ống nước vào bản ấy có vẻ bình thường.
Nhưng vốn biết anh từng có mặt ở Huổi Khon (Mường Nhé) những ngày "nước sôi lửa bỏng", với chúng tôi hình ảnh chàng phó bí thư tỉnh đoàn mới ngoài 30 tuổi dấn thân vào nơi nguy hiểm hồi năm 2011 và hình ảnh ông bí thư huyện ngoài 40 tuổi đang lúi húi buộc ống nước giúp dân kia không biết hình ảnh nào đẹp hơn? Có lẽ cả hai!
Từ một cậu bé người Mông, quê ở Pú Nhung (huyện Tuần Giáo, Điện Biên), Vừ A Bằng đã theo được cái chữ để tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa 1 Đại học Y Hà Nội. Về công tác ở Bệnh viện Điện Biên, mới ngoài 30 tuổi anh đã là bác sĩ trưởng khoa răng hàm mặt.
Những hoạt động tuổi trẻ ngành y ở tỉnh đã xuất hiện một thủ lĩnh thanh niên vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi phong trào với các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo...
Tháng 12-2007, Vừ A Bằng được tổ chức điều động sang tỉnh đoàn và được bầu làm phó bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên. Chị Tâm, vợ anh, cũng là bác sĩ giỏi động viên chồng: "Hai đứa mình cùng làm bác sĩ, đứa nào cũng muốn làm chuyên môn nhưng tổ chức cần thì phải hi sinh. Em sẽ theo chuyên môn, còn anh thấy môi trường Đoàn có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội thì cứ chọn".
Dịp lễ 30-4 năm 2011, A Bằng xin nghỉ phép đưa gia đình về quê vợ ở Thanh Hóa. Anh vừa lên xe thì chủ tịch tỉnh điện triệu tập về văn phòng có việc gấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn thông báo tình hình Huổi Khon nghiêm trọng và quyết định lập tổ công tác đặc biệt gồm 7 người do Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Nhân làm tổ trưởng và điều động Vừ A Bằng cùng tổ vào Mường Nhé ngay lập tức, không được thông tin cho bất cứ ai, kể cả người thân.
Lệnh điều động đột ngột đến nỗi không kịp chuẩn bị quần áo. Tổ công tác của A Bằng bám trụ địa bàn Huổi Khon (Mường Nhé), nơi đang có sự cố về bà con người Mông.
Nhiều câu chuyện có thể chưa được kể như việc khảo sát địa điểm cho máy bay trực thăng chở Thủ tướng hạ cánh, gặp gỡ đồng bào.
Điểm nóng Huội Khon nguội dần. Bà con người Mông trên địa bàn thấy có một thằng "người Mông ta" rất trẻ mà nói năng thuyết phục, có tấm lòng dám đến với bà con bất chấp nguy hiểm...
Những nỗ lực và năng lực xử lý công việc của Phó bí thư Tỉnh đoàn Vừ A Bằng đã được cấp trên chú ý.
Chỉ một tháng sau khi rời Mường Nhé, A Bằng nhận quyết định trở lại huyện xa xôi nhất tỉnh này để đảm nhiệm Phó chủ tịch UBND huyện.
Khi các phóng viên báo Tuổi Trẻ lên cực Tây Tổ quốc xây tặng cho bà con bản Tá Miếu ngôi trường mầm non, chúng tôi rất ấn tượng với anh phó chủ tịch đầy nhiệt huyết.
Vừ A Bằng tham gia chương trình “Tháng 3 biên giới” của báo Tuổi Trẻ ở Sam Lang - nơi xảy ra câu chuyện “chui túi nilông qua suối” năm 2014 - Ảnh: NGỌC QUANG
"Không cho cán bộ Bằng về tỉnh đâu!"
Sau gần hai năm bám trụ Mường Nhé, huyện khó khăn nhất Điện Biên, cuối năm 2012 Vừ A Bằng được trưng tập về tỉnh để chỉ đạo đại hội tỉnh đoàn, và anh được bầu làm Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên.
Có một chuyện thú vị là mỗi lần lên Mường Nhé công tác, anh em huyện vẫn nhắc. Đấy là sau khi lo tổ chức đại hội, được bầu giữ cương vị bí thư tỉnh đoàn xong thì A Bằng phải lo hoàn thiện tất cả thủ tục đưa về Trung ương Đoàn.
Trên đường anh từ Hà Nội lên Lai Châu để về Điện Biên thì phải quay vào ngay huyện Mường Nhé để làm nốt thủ tục miễn nhiệm tư cách đại biểu HĐND và chức danh phó chủ tịch huyện. Tuy nhiên, cuộc họp miễn nhiệm này "không suôn sẻ".
Ông Lò Văn Chiên, phó chủ tịch HĐND huyện Mường Nhé (khi đó là Chánh văn phòng HĐND huyện), nhớ lại: "Hôm đó cuộc họp có 33 đại biểu HĐND. Lúc mạn đàm trao đổi việc đồng chí Vừ A Bằng rút ra tỉnh, rất nhiều đại biểu đã ý kiến muốn anh ở lại Mường Nhé.
Họ đều nói Bằng là người quyết liệt, xông xáo, nói là làm, rất gần dân và hiểu dân, làm được nhiều việc cho dân nên dân rất cần những lãnh đạo như A Bằng. Mọi người phát biểu xong, phải biểu quyết việc bỏ phiếu thì đa số đại biểu không giơ tay, cứ ngồi im, không ai đồng ý miễn nhiệm phó chủ tịch Bằng cả!
Lúc này tôi mới nói với các đại biểu HĐND huyện: "Các đại biểu thấy A Bằng có tốt không? Có. Làm việc tích cực không? Có. Thế có nên thăng chức cho A Bằng không? Có! Đấy, A Bằng làm tốt thì phải để lên chức chứ.
A Bằng về tỉnh là lên chức, có chức cao hơn huyện phải mừng cho anh ấy chứ và phải đồng ý để anh ấy được rút. Có chức vụ cao hơn, anh ấy sẽ quan tâm nhiều hơn đến người dân, đến huyện Mường Nhé chứ, giơ tay, giơ tay lên đi chứ...". Lúc này, những cánh tay mới từ từ giơ lên đồng ý".
Từ một trí thức trẻ có năng lực, nhiệt huyết và được rèn luyện qua môi trường công tác Đoàn nên những năm qua A Bằng đã làm được nhiều việc. Hẳn bạn đọc chưa quên chương trình "Tháng 3 biên giới" của báo Tuổi Trẻ tổ chức ở Điện Biên năm 2014 và sau đó là chuyện cô giáo chui túi nilông qua suối.
Vừ A Bằng là người giới thiệu câu chuyện này với chúng tôi trước khi gặp cô giáo Tòng Thị Minh và chuyện cây cầu treo Sam Lang đã kết thúc có hậu, trong đó vai trò kết nối của A Bằng không nhỏ.
Từ bí thư tỉnh đoàn, nhiệm kỳ 2016-2020 anh được tín nhiệm giữ chức bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông. Dân huyện quá quen hình ảnh ông bí thư cứ cuối tuần đi xe máy vào tận những bản heo hút nhất để lắng nghe bà con.
Trong nhiều thành công của Điện Biên Đông mấy năm qua, hàng chục ngôi trường, hàng trăm phòng học cho học sinh có được từ sự kết nối của ông bí thư huyện nguyên là cán bộ Đoàn.
A Bằng bảo: "Hãy cho chúng tôi ximăng và tôn, dân bản sẽ đi lấy cát sạn, sẽ tự nguyện bỏ ngày công làm những phòng học 3 cứng: cứng nền, cứng tường, cứng mái". Có lên miền núi, chứng kiến cảnh những lớp học quây bằng bạt nhựa, gió lùa hun hút, sẽ hiểu giá trị của mỗi lớp học như thế.
Đã 14 năm trôi qua khi A Bằng rời chiếc áo blouse trắng để khoác áo xanh Đoàn. Và bây giờ anh đang là Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Mang chiến thắng Điện Biên Phủ ra Trường Sa
Năm 2017, chúng tôi đi cùng Vừ A Bằng trên chuyến tàu ra Trường Sa, các thành viên rất ngạc nhiên khi thấy một anh chàng cứ lên đảo lại gùi một cái balô to. Hóa ra trong balô là bức tượng phiên bản của tượng đài chiến thắng Điện Biên.
Khi biết tin mình sẽ được tham gia đoàn hành trình ra Trường Sa, Vừ A Bằng đã đi đặt mười mấy phiên bản tượng đài như thế rồi đóng thùng gửi vào TP.HCM nhờ anh em đưa trước xuống tàu HQ 996. Rồi anh tậu thêm balô "chuyên dụng" được lót mút để tượng không vỡ.
Và khi mang tinh thần Điện Biên ra với Trường Sa, anh cũng xin được những lá cờ bạc phếch vì gió biển cắm trên các hòn đảo thân yêu của Tổ quốc, xin anh em trên đảo đóng dấu đỏ lên đó rồi anh trân trọng gấp những lá cờ Trường Sa ấy bỏ vào balô mang về để trao cho Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên trưng bày.
***********
Nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, việc đầu tiên mà anh bí thư trẻ tạo dấu ấn với đồng bào là hoạt động "Ngày cuối tuần về với dân".
>> Kỳ tới: Giấc mơ hoa ở Mù Cang Chải