Thay vì mua nhiều túi xách, nhiều người chọn mua túi da dáng cơ bản ở những cửa hàng đồ da thủ công - Ảnh: QUÂN NAM
Ưu tiên bền, đẹp
"Tôi mua theo ý thích, theo xu hướng. Các đợt giảm giá, thấy rẻ, ưng ý là "xuống tiền" mua. Nhiều thứ mua không dùng tới nhưng tiếc không nỡ bỏ đi, nên tủ đồ thì thừa mứa mà vẫn không biết phải mặc gì", Đinh Thùy Ngân (29 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ về thói quen ăn mặc trước kia.
Nhưng Ngân đã thay đổi thói quen này trong hơn một năm qua. "Tôi đọc được điều này từ một bài báo về thời trang: chúng ta đẹp nhất khi chọn được thứ phù hợp với mình nhất. Màu hợp với màu da, kiểu đầm hợp với dáng người…
Còn thời trang lại mỗi mùa mỗi khác, mỗi mùa mỗi xu hướng, kiểu cách khác nhau. Nhưng đó chỉ là thứ mà các hãng thời trang tạo ra để dẫn dụ chúng ta mua sắm", Ngân nói về quan điểm để mặc đẹp.
Bây giờ cô mua đồ rất chọn lọc: ưu tiên đẹp, bền, tránh xa các ngày săn sale, Black Friday…
"Đẹp thì ai cũng thích. Tôi cũng vẫn thích mặc đẹp. Tất nhiên mua đẹp, bền thì phải chấp nhận đắt hơn. Nhưng thực ra mặc đẹp đi đôi với bền sẽ hiệu quả hơn hẳn so với nhiều và rẻ, kể cả khi tính tới chi phí", cô nàng làm nghề kế toán nói thêm.
"Bạn mua một cái áo 180.000 đồng, mặc tầm hơn chục lần là muốn bỏ đi rồi. Nhưng nếu mua một cái áo 800.000 đồng, mặc sẽ đẹp hơn vì chất liệu tốt hơn, may đẹp hơn và có thể mặc được cả năm, thậm chí lâu hơn" - Nguyễn Thu Trang (27 tuổi, ngụ TP.HCM), cô gái cũng theo đuổi kiểu "ăn chắc mặc bền", chia sẻ .
Nhiều người sẽ cho rằng ít có nghĩa là đơn điệu nhưng theo Trang, vẫn có thể ít đồ mà vẫn đa dạng phong cách nếu biết cách "mix and match", chọn được những trang phục màu trung tính có thể phối hợp với nhau.
Săn đồ "bảo hành trọn đời"
Bạn từng nghe đến những thương hiệu balô, vali, túi xách… bảo hành trọn đời?
Đây phần lớn là những thương hiệu có giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung, nhưng là một người trẻ có xu hướng "ăn chắc mặc bền", Châu Minh (34 tuổi) đã mạnh tay chi tiền để mua 2 món đồ "bảo hành trọn đời".
Không có cả đống balô, túi xách, Minh chỉ có 4 món cơ bản: túi cầm tay cho các dịp tiệc tùng, túi tote, balô, vali.
Những chiếc túi da bền chắc, đa năng có thể vừa đi làm, đi chơi là cách để không phải mua nhiều đồ - Ảnh: QUÂN NAM
"Nếu lướt trên các sàn mua sắm phổ biến, mọi người có thể mua được những chiếc balô với giá 300.000 - 400.000 đồng, nhìn bóng bẩy, bắt mắt nhưng dễ trầy xước và hư hỏng.
Balô hay túi xách "bảo hành trọn đời" phần lớn là các thương hiệu nổi tiếng từ nước ngoài có giá vài triệu đồng. Nếu túi hư hỏng khóa kéo, quai xách hay bị bung đường may…, bạn có thể gửi đến hãng bảo hành, sửa chữa", Minh cho biết.
Nhiều hãng có sản phẩm balô, vali bảo hành trọn đời có thể kể đến như Dakine, JanSport, L.L.Bean, The North Face, Osprey, Saddleback, Land’s End…
"Thực ra từ Việt Nam muốn bảo hành thì phải gửi hẳn đồ sang một số nước và chịu phí, mất nhiều công sức. Nhưng bản chất của các sản phẩm "bảo hành trọn đời" là rất bền chắc, ít bị hư hỏng", Minh giải thích thêm.
Theo WWF (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên), là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới, ngành dệt may và thời trang tác động đáng kể đối với các hệ sinh thái trên Trái đất. Theo số liệu báo cáo năm 2015, ngành tiêu tốn 79 tỉ mét khối nước, thải ra 1.715 triệu tấn phát thải CO2 và 92 triệu tấn chất thải.
Nếu tiếp tục cách thức sản xuất và tiêu dùng hiện tại, ước tính các con số này sẽ tăng lên ít nhất 50% vào năm 2030, gây thêm áp lực cho các hệ sinh thái vốn đã suy kiệt, từ đa dạng sinh học đến nước và khí hậu.