Thời cơ vàng từ 'hoàng hôn COVID-19'

2 năm trước 181


Thời cơ vàng từ hoàng hôn COVID-19 - Ảnh 1.

Dòng xe rời Hà Nội đi chơi lễ hôm 29-4 - Ảnh: CHÂU ANH

Tối 30-4, người dân được tập trung xem pháo hoa ở TP.HCM. Không khí SEA Games 31 đã nóng lên, "mở hàng tưng bừng" sẽ là trận bóng đá U23 Việt Nam gặp Indonesia... Trên cả nước, đi du lịch là chuyện bình thường. Bộ Y tế cũng lấy ý kiến về 2 phương án ứng phó COVID-19, có tình huống "ổ dịch không còn nghiêm trọng, biến thể ít nghiêm trọng".

Có người nói "hoàng hôn COVID-19" gần lắm rồi. Chúng ta có quyền hy vọng thế, và lúc này phải nghĩ ngay đến "đường đua mới".

Mất 2 năm để chống dịch, chúng ta có lúc phải gác lại những kế hoạch "hoành tráng", thậm chí nhiều trường hợp phải bước lùi do thua lỗ, thất bát, phá sản... Vì vậy, lấp ló "hoàng hôn COVID-19" cũng là lúc mọi người khởi động bước vào đường đua mới, trước là lấy lại sức vóc đã có, sau đó phải đi nhanh hơn để bù đắp những gì đã mất trong hai năm qua. 

Lúc này, mọi người đang nói đến khái niệm "thời cơ vàng". Thời cơ vàng, đó là Việt Nam có "kháng thể" với COVID-19 để trở lại cuộc sống bình thường, là sau nhiều tháng gián đoạn các doanh nghiệp nước ngoài cũng muốn bung ra tìm kiếm cơ hội làm ăn...

Hai năm gián đoạn giao tiếp, dù có online, trực tuyến cũng không hiệu quả bằng "tay bắt mặt mừng, tận mắt trông coi". Không có gì lạ khi các cuộc gặp gỡ trực tiếp để bàn chuyện làm ăn, xúc tiến thương mại... đang dồn dập diễn ra, tận dụng tối đa thời cơ vàng "hoàng hôn COVID-19" để mở ra các cơ hội làm ăn sau này. 

Ngay đầu năm 2022, nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng và gặp gỡ nhà đầu tư được tổ chức với quy mô lớn như tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh; và các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình được tổ chức ngay tại TP.HCM thông qua kết nối của các doanh nghiệp, tổ chức tài chính uy tín hàng đầu. Hoặc Đắk Lắk tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp với các thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025...

Không chỉ xúc tiến trong nước, những nhịp cầu kết nối làm ăn với nước ngoài cũng đã được hình thành. Mới đây, vị "đại sứ mê kinh tế" Phạm Sanh Châu đã tiếp cận các doanh nghiệp trong nước để nắm bắt thế mạnh để kết nối hợp tác làm ăn. 

Kết quả là dự kiến trong tháng 5-2022, tại TP.HCM, những tỉ phú Ấn Độ - thông qua "CLB Thương hiệu Việt" - sẽ có buổi gặp với các doanh nghiệp sở hữu những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư từ Ấn Độ và ngược lại. Lĩnh vực mà các tỉ phú Ấn Độ quan tâm là du lịch, thép, năng lượng, pin xe điện, dược và thiết bị y tế... 

Chúng ta kỳ vọng việc làm, hàng hóa, doanh thu sẽ được tạo ra sau những cuộc kết nối này. Ngược lại, nếu không nhanh tay kết nối, tranh thủ thời cơ vàng, cơ hội có thể thuộc về các nước khác, không phải là doanh nghiệp Việt Nam.

Nhìn lại, "hoàng hôn COVID-19" không chỉ đem lại thời cơ vàng cho riêng Việt Nam, vì thế cạnh tranh để có lợi thế giữa các nước cũng rất gay gắt như từng diễn ra trong thu hút khách quốc tế giữa các nước Đông Nam Á. 

Nước nào cũng có quy định phòng chống dịch thoáng hơn, đưa ra sớm nhất để gây ấn tượng qua đó thu hút du khách quốc tế. Nay sự cạnh tranh diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Cuộc đua mới chỉ là bắt đầu. Chủ động kết nối, đón khách - những nhà đầu tư lớn, những tỉ phú Ấn Độ... để tìm cơ hội làm ăn chính là một cách tận dụng cơ hội vàng có được từ "hoàng hôn COVID-19".

Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 388 tỉ USD, tăng bất chấp dịch COVID-19Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 388 tỉ USD, tăng bất chấp dịch COVID-19

TTO - Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia, đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được.

Nguồn bài viết