Các bạn trẻ đi vào điểm nóng, ổ dịch sẽ là hình ảnh khó quên trong lòng người dân TP.HCM khi nhắc lại thời điểm bùng dịch COVID-19 cả thành phố - Ảnh: Q.L.
Nửa cuối nhiệm kỳ vừa qua, câu chuyện dấn thân, tinh thần tình nguyện tham gia phòng chống dịch COVID-19 của tuổi trẻ TP.HCM là điều được nhiều ý kiến cho rằng cần được đánh giá thật kỹ.
Bài học nào từ tình nguyện mùa dịch?
Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải nói cần đánh giá, diễn giải ý sâu để thấy rõ tác động của đại dịch COVID-19. Qua đó, chúng ta nêu lên vai trò của tổ chức Đoàn. "Phong trào mở rộng vùng xanh như báo cáo chưa lột tả hết sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ và đoàn viên, thanh niên, chưa rõ nét đặc thù của phong trào thanh niên trong tình hình dịch bùng phát", ông Hải nói.
Đề cập việc huy động đông đảo thanh niên tham gia phòng chống dịch COVID-19, ông Ngô Văn Luận - phó Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM - ghi nhận báo cáo đã thẳng thắn đánh giá những hạn chế, dấu ấn. Tuy nhiên, nếu cứ bám theo Trung ương chỉ đạo thì rất khó có sự khác biệt, phải gắn với đặc điểm tình hình TP.
"Sao chúng ta không đánh giá, đúc kết riêng về hoạt động xung kích, sáng tạo trong hai năm phòng chống dịch vừa qua của Đoàn và thanh niên TP? Phải thấy được tính năng động hội nhập, nhanh nhạy với thời cuộc và cũng làm bật lên sự chấp nhận khó khăn, dám dấn thân của tuổi trẻ TP", ông Luận nêu.
Nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua nói phần đánh giá thanh niên chỉ 17 dòng như thế chưa nêu bật được tình hình của thanh niên hiện nay. Ông nêu những câu hỏi: Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thanh thiếu nhi ra sao? Thành Đoàn đánh giá sự dấn thân của tuổi trẻ TP trong câu chuyện phòng chống dịch COVID-19 như thế nào? Đó không chỉ là dấu son của thanh niên TP mà còn là bài học từ câu chuyện thực tế cho tổ chức Đoàn cả nước tham khảo.
"Dịch COVID-19 bộc lộ ra những phẩm chất tốt đẹp của thanh niên, hàng trăm ngàn thanh niên tham gia tình nguyện. Đoàn cần nêu nhận định về thanh niên để thấy rằng tuổi trẻ TP toát lên tinh thần xả thân, dấn thân vì TP, vì Tổ quốc", ông Đua nhấn mạnh.
Nguyên phó bí thư Thành Đoàn Dương Thành Truyền nói cần đổi mới công tác thanh vận của Đoàn hiện nay để tiếp cận thanh thiếu nhi một cách hiệu quả. Ông Truyền nói: "Chưa bao giờ công tác thanh niên đối diện với tình hình thay đổi quá nhanh như hiện nay. Đã đến lúc chúng ta phải có cách nhìn nhận để thấy bức tranh về thanh thiếu nhi mới, nhất là công tác thanh vận trong tình hình mới, tiếp cận khoa học hơn, thực tiễn hơn. Phải bắt được xu hướng giới trẻ trên không gian mạng... từ đó công tác cổ động lôi cuốn hơn".
Yếu tố con người là then chốt
"Đoàn có là chỗ dựa của thanh niên không?" - ông Nguyễn Văn Đua hỏi và nói rằng Đoàn không chỉ quan tâm thanh niên trí thức, có tài năng mà rất cần đồng hành với thanh niên chậm tiến, bởi lẽ bối cảnh mạng xã hội và các giá trị về lối sống hiện nay ảnh hưởng một bộ phận thanh niên.
Ông Ngô Văn Luận thẳng thắn chỉ ra việc đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn kế cận thời gian qua bị thiếu. Đoàn phát huy được đội ngũ trí thức, lao động có trình độ tay nghề cao bên cạnh đồng hành, hỗ trợ thanh niên yếu thế. "Gắn với đợt kỷ niệm 50 năm giải phóng TP.HCM, Đoàn có công trình, phần việc gì tham gia chung cùng TP không? Nên suy nghĩ công trình mang tính hiệu triệu thanh niên TP tham gia góp phần thực hiện mục tiêu chung của TP", ông Luận nêu.
Bà Thái Thị Bích Liên - phó Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM - nói cần phân tích nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan vì sao chỉ tiêu xây dựng Đảng chưa đạt. Đồng thời cần cho thấy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn tham mưu về đội ngũ cán bộ trẻ vì thực tế chiếm tỉ số chưa cao. Do đó, Đoàn phải xốc vào khâu tham mưu, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ thời gian tới.
Khá nhiều ý kiến đề cập việc thanh thiếu nhi tiếp cận công nghệ, sử dụng mạng xã hội hiện rất nhiều nên Đoàn cần có giải pháp tiếp cận, giúp trang bị kỹ năng trong thời đại số cho đối tượng trẻ. Các ý kiến khác đề xuất Thành Đoàn nghiên cứu tham mưu TP có thêm nhiều nguồn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát huy tài năng trẻ để thu hút nhiều tài năng xuất sắc góp sức cho TP, giúp định hướng và lan tỏa giá trị tốt đẹp trong đời sống.
"Chiếc áo" TP chật cũng ảnh hưởng tới thanh niên
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - đánh giá bối cảnh TP sẽ ảnh hưởng đến thanh niên. Dù có nhiều cơ hội để thanh niên học tập nâng cao nhưng vẫn có phần tương phản, còn thanh niên tệ nạn xã hội, ước mơ còn thấp. Bà Thảo nói cơ chế của TP còn khó khăn, "chiếc áo" của TP dường như quá chật cũng ảnh hưởng đến công tác thanh niên.
"Môi trường rèn luyện của thanh niên còn hạn chế. Tình trạng "nhạt Đảng, khô Đoàn" vẫn tồn tại làm cho công tác tập hợp thanh niên khó khăn. Vì thế phương hướng cần nghiên cứu, hiểu rõ tình hình thanh niên, phát huy những người xuất sắc trong các lĩnh vực", bà Thảo góp ý.
Thể hiện được vai trò thanh niên
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh Thành Đoàn cần đánh giá bối cảnh dịch bệnh bất ngờ nhưng thể hiện được vai trò thanh niên. Việc xác định chủ đề, khẩu hiệu của đại hội phải gắn với chủ đề của Đảng bộ TP.
Ông Hải nói phương hướng nhiệm kỳ mới cần có nội dung cho thấy TP.HCM là nơi hội tụ văn hóa hầu như đầy đủ các dân tộc anh em, từ khắp nơi hội tụ về. "Cả khi phân tích hạn chế, khó khăn cũng phải thấy điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục. Sau khi lắng nghe góp ý, Thành Đoàn hoàn chỉnh văn kiện kỹ hơn, đầy đủ hơn" - ông Hải phát biểu.