Sẽ có một phần mềm phòng, chống dịch COVID-19
Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Bkav, kiến trúc sư trưởng Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia, cho biết đại dịch xuất hiện vào năm trước. Ngay sau đó, các công ty công nghệ đã được Chính phủ triệu tập và tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch. Nhiều công ty đã nhanh chóng cung cấp các giải pháp phục vụ cho việc chống dịch, nhưng do thời gian gấp mỗi công ty tham gia làm một phần. Đến nay, Chính phủ và các bộ ngành nhận thấy cần tập hợp, kết nối các phần mềm lại với nhau, cần có một bản thiết kế bài bản hơn, giống như xây một tòa nhà cần bản vẽ thiết kế của tòa nhà rồi mới thi công.
Cách đây 3 tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu trên. Mới đây nhất, theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, các phần mềm sẽ phải được kết nối với nhau. "Sẽ có một phần mềm tham gia phòng chống dịch hiệu quả, người dân có thể sử dụng thuận lợi hơn", ông Nguyễn Tử Quảng cho biết.
Chính phủ giao cho Bộ TT&TT phát triển một ứng dụng chống dịch duy nhất. Thủ tướng cũng như Phó Thủ tướng đã quyết định chính thức sắp tới sẽ có một ứng dụng mới, kế thừa tất cả những giá trị mà các ứng dụng trước đó. Hiện nay các bộ, ngành, và Trung tâm đang ngồi làm việc với nhau, rất khẩn trương, để thống nhất."Nguyên vật liệu” đã có nên giờ chỉ cần thống nhất và triển khai. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có được giải pháp như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu", ông Quảng cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty Công nghệ DTT, Giám đốc điều hành đề án ITrithuc trong chống dịch, đã có nhiều công ty tham dự, tình nguyện đóng góp, và Việt Nam đã làm được nhiều công nghệ để chống dịch. "Về mặt công nghệ thông tin, chúng ta đã cố gắng, nhưng đây là bài toán khó, độ kỳ vọng cao. Với sự vào cuộc của cộng đồng công nghệ, chúng ta làm một lần chưa tốt nhưng sẽ sửa dần để tốt hơn. Dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã đạt được mục tiêu đưa ra".
Trong khi đó, ông Tạ Quang Thái, Sáng lập viên Rada chia sẻ: Việc liên thông dữ liệu giữa các bộ ngành cần được triển khai. Đơn cử như Bộ Công an cần mở hệ thống cơ sở dữ liệu để đảm bảo việc xác thực, định danh công dân; Bộ Y tế cần đóng góp cơ cở dữ liệu chuyên gia, bác sĩ, y tá, điều dưỡng để có thể trợ giúp; Bộ TT&TT đóng góp hạ tầng đủ mạnh (đường truyền, máy chủ, thiết bị tương tác) để đảm bảo đồng bộ toàn bộ hệ thống;... Việc sử dụng App dùng chung cần tính toán phân tích để hội tụ đủ các nghiệp vụ cần thiết cho việc chống dịch như: Truy vết và khoanh vùng; Theo dõi di chuyển của công dân; Quản lý F0, F1, F2; Quản lý F0 tại nhà, F0 tại bệnh viện; Quản lý tiêm chủng, quản lý xét nghiệm COVID-19; Quản lý trợ giúp dân cư và an sinh xã hội...
Việc xây dựng hệ thống này phải đặt ở Trung tâm trực thuộc Ban chỉ đạo của Chính phủ, tập hợp các chuyên gia đầu ngành làm việc, chia giai đoạn, đặt mục tiêu…
Thống nhất, liên thông dữ liệu phòng dịch
Đại diện Khu Công nghệ phần mềm Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Nhật Quang chia sẻ: Khi đại dịch xảy ra, tất cả lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng, nhưng là cơ hội để công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng, thúc đẩy số hoá nhanh hơn.
Chính phủ đã có những chính sách đón đầu về chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào khai thác dữ liệu đa ngành. Tuy nhiên, việc ứng dụng chưa kịp so với tốc độ lây lan của dịch bệnh. Ban đầu, chúng ta gặp một số khó khăn trong việc tận dụng công nghệ thông tin (CNTT) chống dịch. Những công ty đã ứng dụng CĐS trước đại dịch ít bị tác động so với công ty truyền thống khi dịch kéo dài. Điều tích cực thấy được là sự cần thiết của công nghệ trong cuộc sống. Công nghệ làm giảm khoảng cách, tối ưu hoá chi phí để ứng dụng công nghệ vào chống dịch. Từ đó sinh ra nhiều ứng dụng công nghệ khác nhau vào nhiều ngành nghề khác nhau.
"Những ứng dụng liên quan đến hỗ trợ phòng chống dịch rất nhiều, nhưng cũng là vấn đề cần lưu tâm. Bước tiếp theo cần thống nhất các cơ sở dữ liệu để có được sức mạnh mới nhằm thích nghi với đại dịch", ông Quang chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, hiện nay Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia đã chuẩn bị sẵn các giải pháp để đối phó với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, có 2 giải pháp, thứ nhất là hệ thống QR code. Theo đó, trong thời gian tới, các địa điểm công cộng có thể đều có mã QR mà người đến phải quét QR code. Việc quét hiện cũng rất tiện. Thứ hai là cài phần mềm phát hiện tiếp xúc gần. Giả thuyết khi phát hiện được ca F0 chỉ điểm và đưa lên hệ thống, có thể tìm ra mọi địa điểm mà F0 này từng đến và quét (gọi là mốc dịch tễ). Đồng thời quét ra ở thời điểm đó, địa điểm đó có những ai cùng đến. Khi đó chúng ta sẽ không cần phải đi tìm, đi loan báo trên các phương tiện truyền thông. Phần mềm phát hiện tiếp xúc gần cũng giúp tìm ra những người đã tiếp xúc trong khoảng cách 2 mét.
Ông Nguyễn Thế Trung cho biết, QR code là trụ cột quan trọng của quốc gia, trong đó có những người không có smartphone. Ứng dụng chỉ là công cụ thô sơ, việc khó hơn nhiều là trung tâm công nghệ phần mềm liên thông được với nhau.
“QR code là vấn đề bắt buộc phải dùng, không chỉ chống dịch mà ứng dụng sau này để bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Chúng ta đã có tầm nhìn rất xa, ngay từ khi làm Căn cước công dân điện tử đã yêu cầu gắn mã QR. Việc này đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận công nghệ công bằng. QR code này có thể cầm tay, mang nhiều hàm lượng thông tin mà bất kỳ người dân nào cũng có thể sử dụng dễ dàng" ông Trung cho biết.
Còn ông Lê Nhật Quang cho biết, TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển một ứng dụng khai báo y tế, kết nối với dữ liệu chung trên nền tảng dữ liệu quốc gia trong việc liên thông dữ liệu để các quận thí điểm hoạt động. Với người dân, ứng dụng này sẽ có bốn thông tin đồng bộ hoá: Khai báo y tế, lịch sử tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm và với những trường hợp cách ly tại nhà có theo dõi sức khoẻ. Dữ liệu sẽ kết nối với các ứng dụng khác trên thị trường. Hiện có nhiều ứng dụng khiến người dân bị rối, trong khi Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ kết nối thông tin. Việc thống nhất dữ liệu là điều rất cần thiết để đạt hiệu quả trong phòng chống dịch.