Tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Anh hộ tống tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong một đợt đi biển - Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh
Rạng sáng 16-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp Anh Boris Johnson đã công bố quan hệ đối tác ba bên AUKUS.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đây là những nỗ lực "sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Nhà lãnh đạo Mỹ cũng công bố sáng kiến giúp Úc sở hữu hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân "trong thời gian sớm nhất có thể".
Ba bên cùng có lợi
Chính phủ Úc khẳng định AUKUS là yếu tố then chốt để Úc trở thành một cường quốc có năng lực hơn trong thế kỷ 21.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhà nghiên cứu về quân sự và an ninh biển Nguyễn Thế Phương cho biết để đạt được AUKUS, Úc đã chủ động khá nhiều.
Ngoài cuộc tranh luận trong nội bộ về việc có nên sở hữu tàu ngầm hạt nhân hay không, Úc cũng đối mặt một vấn đề khác là thỏa thuận mua 12 tàu ngầm thông thường từ Pháp.
"Canberra đã dẹp bỏ các chướng ngại đó để ký kết AUKUS. Đây là điển hình của chính sách đối ngoại của cường quốc bậc trung (Úc)", thạc sĩ Thế Phương, hiện là giảng viên khoa Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM, nhận xét.
Theo ông Thế Phương, AUKUS sẽ kết nối nền công nghiệp quốc phòng của cả ba quốc gia. "Từ trí tuệ nhân tạo (AI), drone (máy bay/thiết bị bay không người lái) cho tới công nghiệp đóng tàu, cả ba nước sẽ có thể tiết kiệm chi phí nhờ chia sẻ chung mọi thứ như nền tảng và chi phí sáng tạo, nghiên cứu. Úc sẽ là nước hưởng lợi lớn ở mặt này".
Mỹ và Anh cũng sẽ có lợi ích từ quá trình này. "Mỹ có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân ở Úc, tăng cường hiện diện ngoài chuỗi đảo thứ hai và ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Đối với Vương quốc Anh, hợp tác này đang giúp họ hiện thực hóa cam kết can dự nhiều hơn vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", chuyên gia Thế Phương lưu ý.
Chưa đến mức liên minh?
Thủ tướng Úc Scott Morrison (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong lễ công bố AUKUS rạng sáng 16-9 - Ảnh: REUTERS
Một số nhà quan sát nhận định AUKUS là cơ chế hợp tác quân sự và an ninh lớn đầu tiên được Mỹ thiết lập sau khi Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) tan rã năm 1977. Sự xuất hiện của AUKUS được dự báo sẽ tạo ra những biến chuyển đáng chú ý trong khu vực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Brandeis (Mỹ), cho rằng AUKUS chưa đến mức được xem như liên minh đúng nghĩa mà chỉ là một sự nâng cấp đáng kể quan hệ giữa ba nước.
Dẫn chứng rõ nhất là việc các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc chỉ gọi AUKUS là "Hiệp định đối tác an ninh tăng cường ba bên".
"Khả năng cao sẽ không có điều khoản phòng thủ chung, vốn là trụ cột của các liên minh quân sự đúng nghĩa. Bởi làm như vậy là tạo điều kiện để Trung Quốc thách thức giới hạn của liên minh bằng các hoạt động quân sự dưới mức xung đột vũ trang", chuyên gia Di Lân dự đoán.
Nếu AUKUS không phản ứng mạnh trước các phép thử của Bắc Kinh, "liên minh" này sẽ bị chỉ trích là "hổ giấy" và dẫn tới sự xói mòn niềm tin của các đồng minh Mỹ. Nhưng nếu AUKUS phản ứng mạnh, nguy cơ xung đột trực tiếp với Trung Quốc sẽ leo thang và đây là điều nhiều nước đang muốn tránh.
Theo ông Thế Phương, Úc không xem AUKUS như một liên minh được thiết kế để ngăn chặn hoặc loại bỏ Trung Quốc.
"Dưới góc nhìn của Canberra, Trung Quốc là một phần không thể thay thế của khu vực và đây là cơ chế nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi hành vi. Song để thành công, cần phải có các cường quốc bậc trung khác đồng thanh hưởng ứng".
Khu trục hạm Type 055 của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?
Mặc dù không có nhà lãnh đạo nào đề cập đến Trung Quốc, AUKUS đang được nhìn nhận là một sự bắt tay của Mỹ - Anh - Úc nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Báo Guardian trích lời ông Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng "không có gì nghi ngờ" khi nói rằng mục tiêu của AUKUS là đối đầu với Trung Quốc.
Theo ông Thời, quan hệ giữa Bắc Kinh với ba nước thuộc AUKUS đang ở mức thấp và chính quyền những nước này đều tìm cách chống lại "sự mở rộng ảnh hưởng chiến lược" của Trung Quốc.
Vị chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ đáp trả với "thái độ và biện pháp không khoan nhượng", đặc biệt nếu các tàu ngầm hạt nhân của Úc tiến vào Biển Đông để tập trận chung với Anh, Mỹ.
"Trung Quốc chắc chắn sẽ chống lại hành động của AUKUS, nhưng câu hỏi đặt ra là cách thức phản ứng sẽ như thế nào" - ông Hoằng nêu.
Theo thạc sĩ Thế Phương, Bắc Kinh có thể thông báo triển khai tàu chiến đến Nam Thái Bình Dương, ở các khu vực gần lãnh thổ Úc để tỏ thái độ trước sự xuất hiện của AUKUS. Ngoài phản ứng của Trung Quốc, phản ứng của ASEAN và các nước cũng sẽ đáng lưu ý trong thời gian tới.
Úc sẽ có ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân
Theo Bộ Quốc phòng Úc, hải quân nước này sẽ tìm kiếm việc sở hữu ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân thông qua sự hỗ trợ của Mỹ và Anh trong khuôn khổ AUKUS.
Bộ Quốc phòng Úc cũng tìm cách làm rõ đây là các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, khác với việc sở hữu vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh Úc luôn tuân thủ các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hạm đội tàu ngầm mới sẽ được chế tạo tại thành phố Adelaide thuộc bang Nam Úc. Hiện đang có nhiều tranh luận và suy đoán lớp tàu ngầm nào sẽ được chọn, đó có thể là lớp Astute của Anh hoặc lớp Virginia của Mỹ.
Cựu Thủ tướng Úc Paul Keating đã phản đối mạnh mẽ AUKUS và kế hoạch mua tàu ngầm hạt nhân. Theo ông Keating, Úc vận hành các tàu ngầm thông thường còn chưa xong thì làm sao vận hành được tàu ngầm hạt nhân vì chúng quá phức tạp và tốn kém.