Thịt bò nhập khẩu được bán tại siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Hàng trăm ngàn con bò "lọt" qua biên giới
Liên lạc với một thương lái (tại tỉnh Lạng Sơn) từng có hơn 5 năm buôn bán bò nhập từ Lào, Campuchia về, người này kể có đường dây thu gom, chủ yếu từ Lào vào trại trâu, bò ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
"Thời điểm tôi làm, các đường dây sẽ thuê cư dân biên giới, mỗi ngày dắt tầm 15 - 30 con sang VN. Đi rất dễ dàng, kiểu kiến chui không qua nhưng trâu bò đi lọt. Sau đó gom về chợ ở Nghệ An. Nuôi vỗ béo thêm, rồi bán để chở thẳng lên biên giới tỉnh Cao Bằng. Sau đó, một vài đường dây xuất sang Trung Quốc", người này nói.
Theo Bộ NN&PTNN, hiện nay nguồn cung thịt bò từ các trang trại, các hộ chăn nuôi trong nước chỉ chiếm khoảng 10 - 20% cung ứng trên thị trường. Phần còn lại là các loại thịt bò nhập khẩu.
Ngoài phần nhỏ từ Mỹ, Úc, Brazil qua đường biển, bò chủ yếu được nhập về VN qua đường bộ từ các nước lân cận với số lượng hàng trăm ngàn con/năm. Đó cũng là một trong những nguyên do khiến chăn nuôi, tiêu thụ bò trong nước ngày càng giảm.
Một doanh nghiệp chăn nuôi bò lớn, có trang trại ở các tỉnh phía Bắc cho hay: "Chúng tôi nuôi quy mô chuồng rất lớn, nhưng công suất chỉ một nửa, tiêu thụ giảm rõ. Nguyên nhân chính là bò được nhập từ Thái Lan, Lào, Campuchia không chính ngạch".
Có trang trại với diện tích 10ha ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An), ông Võ Quan Huy, chủ tịch Công ty TNHH Huy Long An, cho hay từ năm 2018 có nuôi khoảng 10.000 con bò thịt giống Wangu (Nhật Bản) theo công nghệ nuôi của Nhật. Nhưng hiện đàn bò của ông chỉ còn... 1.000 con.
"Có nhiều nguyên nhân, cơ bản là khó cạnh tranh lại với bò nhập khẩu chính ngạch lẫn không chính ngạch. Những đường dây nhập lậu bò từ Campuchia, Lào vừa tiêu thụ nội địa và xuất lậu sang Trung Quốc khiến bò trong nước bị "dập" giá" - ông Huy nói.
Chênh lệch giá bán thịt bò ngoại và nội (khảo sát tại một hệ thống phía Bắc) - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Bò ngoại rẻ hơn, vì sao?
Thịt bò đông lạnh được nhập từ các nước EU giá rẻ hơn bò trong nước từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng/kg.
Chẳng hạn cửa hàng H.G (tại Hà Nội) rao trên mạng bảng giá thịt bò nhập khẩu, giá dẻ sườn bò chỉ 235.000 đồng/kg, bắp 145.000 đồng/kg...
Một chuyên gia kinh tế ở TP.HCM (chuyên về lĩnh vực nông nghiệp) cho rằng châu Âu, châu Úc chăn nuôi quy mô lớn.
"Với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ EU, VN cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu bò sau khoảng 3 năm. Chính hội nhập, mở cửa, sức cạnh tranh không có nên người chăn nuôi trâu bò quy mô nhỏ mất dần. Còn trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn thì quá ít. Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại về thịt bò mờ nhạt dần. Thời gian không xa thịt trâu, bò có nguy cơ bị thay thế bởi thịt nhập khẩu. Nhiều nông dân chịu thiệt thòi", vị này cảnh báo.
Về nhập bò sống, ông Võ Bé Hiền, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản (Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Tháp), giải thích: "Ở Campuchia giá mua bán gia súc rất thấp, chênh lệch nhau 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nhưng đó là bò xương, mua bán "chui" đem về vỗ béo, bán rất lời. Sợ nhất là lây lan dịch bệnh vì Campuchia không tiêm phòng cho trâu, bò".
Để ngăn chặn nhập lậu từ gốc, hỗ trợ người chăn nuôi, giải pháp nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp gợi ý là cần cơ cấu tổ chức sản xuất để giảm giá thành, thêm giải pháp về kỹ thuật chăn nuôi, những cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích đầu tư quy mô lớn, tăng công nghệ cho ngành chăn nuôi...
Câu chuyện nhập thịt gia súc gia cầm, nhập lậu trâu bò sống đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến các cơ sở chăn nuôi, các doanh nghiệp trong nước. Chăn nuôi trâu bò trong nước đang ngày càng giảm.
545.000 tấn
Đó là khối lượng thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá hơn 1,2 tỉ USD mà VN nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2022.
Nguồn: Bộ Công Thương