Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ đối mặt với khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do lo ngại kinh tế suy giảm. Trong ảnh: một cửa hàng Thế Giới Di Động tại TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI
Ông Nguyễn Đức Tài - chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) - vừa đưa ra dự báo lợi nhuận 2022 của doanh nghiệp có thể đi lùi, đạt khoảng 90% so với mức thực hiện của năm trước, tương đương 4.400 tỉ đồng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần hơn 113.710 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 81% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại bị giảm 2% xuống còn xấp xỉ 3.840 tỉ đồng, tương đương thiếu 40% so với kế hoạch đề ra cho cả năm.
Với kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi, phía Thế Giới Di Động đưa ra nhiều nguyên nhân để lý giải. Đầu tiên, do đứt gãy chuỗi cung ứng tại Trung Quốc nên lượng iPhone về chưa đủ đáp ứng nhu cầu, có thể khiến doanh thu cả quý 4-2022 thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu.
Thêm vào đó, nhu cầu mua sắm điện máy cũng chậm lại. Tuy nhiên doanh nghiệp cho biết sẽ đưa ra các chương trình kích cầu hấp dẫn để người tiêu dùng thuận tiện mua sắm hơn.
Tính đến cuối tháng 10 năm nay, doanh nghiệp có tổng cộng 5.775 cửa hàng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào cơ cấu có thể thấy doanh nghiệp tăng mở cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, nhà thuốc An Khang, mở mới chuỗi Ava Kids (mẹ và bé) và Ava Sport (đồ thể thao).
Riêng chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh, doanh số lũy kế 10 tháng đầu năm nay đã bị giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu bình quân đạt 1,37 tỉ đồng/cửa hàng. Đến cuối tháng 10 có 1.729 cửa hàng Bách Hóa Xanh đang hoạt động, giảm 247 cửa hàng so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm cải thiện kết quả kinh doanh, Thế Giới Di Động cũng vừa chính thức khai trương cửa hàng điện máy đầu tiên tại Indonesia vào tháng 11 này.
Doanh nghiệp này cho biết quy mô dân số và GDP của Indonesia cao hơn xấp xỉ ba lần so với Việt Nam, tuy nhiên lại đang thiếu hụt một nhà bán lẻ dẫn dắt. Ngoài ra, những cửa hàng truyền thống ở Indonesia có danh mục sản phẩm hàng hóa trưng bày và các dịch vụ hậu mãi rất hạn chế, ví dụ mua một máy lạnh thường phải mấy 7-10 ngày mới nhận được bảo hành. Chính các yếu tố trên giúp doanh nghiệp có tiềm năng để phát triển tại Indonesia.
Trên thị trường chứng khoán, mã MWG đã bị giảm xấp xỉ 73% so với hồi đầu năm, hiện đang neo ở giá 37.800 đồng/cổ phiếu.