Ảnh chụp một cửa hàng Thế giới di động ở TP.HCM trước giãn cách
Lãi tăng, 3 tháng - 2 cuộc "khủng hoảng"
Chỉ trong vòng ba tháng nay, hai "con cưng" của Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) liên tiếp hứng phải các cuộc "khủng hoảng".
Vào tháng 7-2021, Bách Hóa Xanh bị khách hàng "tố" tăng giá, nhân viên "tố" bị cắt giảm thưởng KPI.
Sang tháng 10-2021, vì lý do ảnh hưởng COVID-19, chuỗi cửa hàng Thế giới di động lại bị phản ứng vì tự ý giảm 70-100% phí thuê mặt bằng dù chưa thương lượng với chủ nhà.
COVID-19 là lý do được dùng để giải thích cho các bước đi trên, vậy từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam, MWG đã kinh doanh như thế nào?
Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng năm 2020 MWG vẫn đạt doanh thu 108.546 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.920 tỉ đồng, lần lượt tăng 6% và 2% so với cùng kỳ năm trước.
"Trong suốt giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chưa một tháng nào công ty phải ghi nhận lỗ. Đây là điểm khác biệt lớn của MWG với các doanh nghiệp cùng ngành", theo báo cáo thường niên 2020.
Sang năm 2021, lũy kế 8 tháng đầu năm (cập nhật mới nhất) doanh nghiệp đạt doanh thu thuần hợp nhất 78.490 tỉ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020), lãi ròng sau thuế 3.006 tỉ đồng (+12%).
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MWG (đơn vị ngàn tỉ đồng) - Nguồn: MWG
"Cắt thưởng" ESOP nếu lãi sau thuế năm 2021 không tăng 10%
Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19, "đàm phán giảm giá thuê mặt bằng" là phương pháp giúp đảm bảo dòng tiền kinh doanh được MWG liệt kê đầu tiên.
Bên cạnh đó, để bảo vệ việc làm cho tất cả nhân viên, MWG cho biết toàn bộ nhân sự từ cấp giám đốc trở lên tự nguyện làm việc mà không nhận thù lao (báo cáo tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2021).
Vậy các nhân sự cấp cao này lấy gì để sống, động lực đâu để làm? Câu trả lời chính là ESOP (cổ phiếu thưởng cho người lao động).
"Nó lớn đến mức nhiều khi các bạn không tưởng tượng nổi. Giám đốc bán hàng lãnh chỉ có 100 triệu/tháng thôi nhưng cuối năm có thể ESOP của ổng lên đến chục tỉ, 15 tỉ, 20 tỉ", ông Nguyễn Đức Tài - chủ tịch HĐQT MWG - nói tại một buổi chia sẻ vào năm 2019.
Tại đại hội cổ đông 2021, MWG đã lên kế hoạch phát hành ESOP (tỉ lệ 3%, không quá 21,5 triệu cổ phiếu), giá dự kiến vẫn là 10.000 đồng/cổ phiếu, bị hạn chế chuyển nhượng trong tối đa 4 năm. Như vậy, với mỗi cổ phiếu được nhận, nhân sự của MWG sẽ lãi hơn 115.000 đồng so với thị giá hiện tại.
Tuy nhiên, áp lực đặt ra là nếu lãi ròng sau thuế năm 2021 tăng trưởng dưới 10% so với trước (tương đương lãi dưới 4.312 tỉ đồng) thì ESOP không được phát hành.
MWG chỉ thưởng ESOP 2021 nếu lợi nhuận sau thuế tăng từ 10% trở lên - Ảnh: Nghị quyết ĐHCĐ 2021 MWG
Theo một số chuyên gia, "MWG treo "củ cà rốt" ESOP trước mặt, thơm ngon và lớn hơn rất nhiều so với tiền lương. Tuy nhiên, ESOP là con dao hai lưỡi, một mặt khuyến khích đội ngũ MWG làm việc hăng say để cuối năm được chia ESOP, mặt khác khiến cho các quyết định của bộ máy chạy theo lợi nhuận ngắn hạn từng năm một.
"Với những chính sách gây tranh cãi vừa qua, nếu cuối năm lợi nhuận tăng trưởng dương 10%, đội ngũ lãnh đạo nhận ESOP không tránh khỏi bị đánh giá vì ESOP mà hành xử không đúng với khách hàng, nhân viên, đối tác.
Ngược lại, nếu lợi nhuận tăng dưới 10%, đội ngũ lãnh đạo không được nhận ESOP thì động lực làm việc có thể bị ảnh hưởng", ông Bạch Huỳnh Duy Linh - chuyên nghiên cứu hệ thống - chia sẻ.
Theo TS Đinh Thế Hiển, bất kỳ phương pháp nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Nếu lợi nhuận của một doanh nghiệp được tạo ra từ sự minh bạch, không dùng tiểu xảo, thì người lãnh đạo xứng đáng được thưởng ESOP vì tâm huyết, công sức, trí tuệ bỏ ra. Tuy nhiên, nếu vì quá muốn có ESOP mà dùng thủ thuật kinh doanh ngắn hạn để gia tăng lợi nhuận thì đây là cách làm kém bền vững.