Người dân đi bộ ở Paris trong những ngày Pháp đẩy lệnh giới nghiêm lên sớm hai tiếng so với trước đó, từ 18h cho tới 6h sáng hôm sau mỗi ngày - Ảnh: REUTERS
Mỹ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 24.306.043 triệu ca nhiễm khiến hơn 405.261 người tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 10.558.710 triệu ca nhiễm và 152.311 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm tại Brazil là 8.456.705 triệu người, trong đó 209.350 người tử vong.
Châu Âu vẫn là khu vực có tốc độ lây nhiễm cao nhất với 27.338.980 ca, trong đó 623.738 ca tử vong. Mặc dù Nga là quốc gia có số người mắc cao nhất với 3.544.623 ca, trong đó 65.085 ca tử vong, nhưng Anh là nước có tốc độ lây nhiễm cao nhất khu vực, với 41.346 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 3.357.361 ca, trong đó 88.590 ca tử vong.
Tiếp đến là Pháp với 21.406 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 2.894.347, trong đó có 70.142 ca tử vong.
Tuần qua, chính phủ Pháp đã kéo dài thời gian giới nghiêm trong ngày thêm hai tiếng, bắt đầu từ 18h cho tới 6h sáng mỗi ngày.
Các cửa hàng và doanh nghiệp đã tìm cách giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra do lệnh giới nghiêm bằng cách mở cửa sớm vào khoảng 7h30 sáng. Tình trạng mưa tuyết nhiều nơi ở nước này cũng càng khiến ngày cuối tuần ở Pháp vắng lặng.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 18-1, những công dân bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhập cảnh Pháp đều phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới và phải tự cách ly một tuần.
Đây là động thái được xem cần thiết trong bối cảnh xuất hiện biến thể lây nhiễm mới ở châu Âu. Riêng tại Pháp, số người chết vì COVID-19 đã vượt mốc 70.000 người, con số cao thứ 7 trên thế giới.
Thủ tướng Jean Castex trong một phát biểu vừa qua nói: "Những biện pháp này là cần thiết ,xét trong tình hình hiện nay. Dù mọi thứ đang tệ đi, tình hình vẫn khá tốt so với nhiều nước xung quanh chúng ta, nhưng tôi đã áp dụng các biện pháp phòng chống mới vì chúng ta phải cảnh giác cao độ trong bối cảnh virus đang lan rộng".
Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Pháp hiện nay cao nhất khoảng 20.000 người, và số người nhập viện, cần điều trị chăm sóc đặc biệt vẫn đang tăng. Chính phủ cũng bị chỉ trích vì tốc độ triển khai vắc xin (vaccine) chậm chạp.
Renaud Piarroux, nhà dịch tễ học tại bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris, cho rằng lệnh giới nghiêm hiện nay cũng không nhiều tác động trong việc hạn chế biến thể mới của virus. Ông Piarroux đoán rằng biến thể mới sẽ hoành hành ở Pháp trong 6 tuần tới và một đợt phong tỏa mới là khó tránh.
Nhà hàng ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ hoạt động ngày 16-1 với biện pháp phòng dịch kỹ lưỡng cho thực khách - Ảnh: REUTERS
Chính phủ Anh, nơi phát hiện biến thể mới của COVID-19, hôm 16-1 cho biết sẽ hỗ trợ tại chính cho các sân bay trong tháng 3 tới, sau khi ngành công nghiệp hàng không cầu cứu vì những quy định siết chặt chuyến bay quốc tế bắt đầu từ tuần sau.
Tương tự ở Pháp, từ ngày 18-1 mọi hành khách đến Anh đều phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 và chuẩn bị cách ly tại nhà trong 10 ngày khi đến nơi.
Tại khu vực châu Á, Trung Quốc đang trở thành điểm nóng mới. Theo Ủy ban Y tế và sức khỏe quốc gia của Trung Quốc ngày 16-1, nước này ghi nhận thêm 109 ca nhiễm mới, trong đó có 13 ca nhập cảnh, trong đó có 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng, không có ca tử vong.
Như vậy tính đến hết ngày 16-1, Trung Quốc ghi nhận 88.227 ca nhiễm, trong đó có 4.502 ca nhập cảnh từ nước ngoài; 4.635 ca tử vong; 82.387 ca được xuất viện.
Ngày 17-1, Thái Lan đã ghi nhận thêm 374 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 12.054 người. Hiện tổng số ca tử vong tại Thái Lan do nhiễm virus SARS-CoV-2 là 70 người.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết Thủ tướng nước này Prayut Chan-o-cha quan tâm đến sức khỏe của người dân khi sắp có đợt không khí lạnh mới và mong muốn người dân tránh các cuộc tụ tập chính trị vì tình hình COVID-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng.
Theo ông Anucha, chính phủ đang đưa ra nhiều biện pháp khắc phục dành cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát mới dịch COVID-19 cũng như đang chuẩn bị các chương trình kích thích kinh tế mới.