Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Mỗi lần, thấy tôi cà nhắc bước là cái ông đây lại chọc: "Ủa, sao mà ưa tráng niềng dữ?". Tôi cũng không vừa khi trả treo lại: "Thì ưa chứ sao? Cũng do đi hoài một kiểu sợ người này nhìn hoài, ớn. Nên khác chút vậy mà...". Và cái ông đây - tức là người này - cứ xập xa xập xình bên tôi, ở với nhau được tới ba mươi lăm năm rồi chứ đâu ít ỏi gì.
Tôi cũng mới bị đau hai đầu gối khoảng vài năm nay. Đã U70 mà xương lưng, cơ khớp không chút suy suyển mới rõ hay. Thật ra, cái chứng này được đi tắm biển mỗi ngày, được vẫy vùng bơi lội, ngâm tẩm người trong sóng nước mặn mòi là hết ngay thôi. Tiếc là, miền Trung vào mùa bão lũ và mưa trắng trời, dai dẳng và dầm dề.
Biển rộn rã và đông vui nhất trong tiết hè. Đáng buồn khoảng thời gian đó, dịch lại đang hoành hành. Khi tình hình có khả quan hơn và nhiều loại dịch vụ được nới lỏng thì vào mùa biển động.
Suốt nhiều tháng qua, ở nhà riết, tôi cũng đã quá quen. Bởi, còn những... một người ở chung nên cũng không thấy nản buồn, nhàm chán mấy. Thêm nữa, chẳng có bao khoảng trống, những rảnh rang vì ngày nào cũng đầy ứ những việc là việc. Và trong các thứ vẫn được duy trì mỗi ngày như: đọc sách, làm chuyện nhà, học tiếng Anh... thì tập thể dục vẫn đứng đầu danh sách.
Vợ chồng tôi vẫn hay nói với nhau: Sao mình chỉ biết sợ cho bộ não không hoạt động rồi sẽ ù ì, mau quên và lú lẫn. Còn cái bộ mình đây chi? Thân xác này quan trọng đâu kém! Mắc gì bỏ lửng lãng quên, cứ chây lì thả buông rồi đổ bệnh tùm lum cho mà coi.
Lại nói về bệnh. Tất nhiên, trái ngược và đối nghịch lại với đó là khỏe chứ gì! Mà ở tuổi này nói mình khỏe sao kiêu ngạo và gan lì dữ? Đó là lời của bạn tôi, chưa đủ, bả còn dặn dò thêm: Có hỏi ai, cỡ tuổi tụi mình là nhớ hỏi vầy: "Ông (bà) có ổn không?".
Bà này có ông chồng rất tội vì ngày nào cũng nhắc vợ: "Đây, mình ráng sống sau tôi nghen. Để nghe tôi nói ăn cơm rồi mà chưa ăn thì mình thương xúc cho tôi ít muỗng hé!".
Nghe kể lại thương quắt ruột. Cái thương chan chứa sự thấm thía của thấu suốt, cảm thông. Cái thương phải sống qua tuổi sáu lăm, người ta mới hiểu trọn vẹn.
Người già nào chẳng hay quên và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Quên hoài có mắc cỡ nên khỏa lấp bằng sự bông phèn, hài hước cho qua. Càng nhiều tuổi, tụi tôi càng bỡn cợt nhiều hơn. Cũng không dám lấy chuyện người, việc đời ra châm chọc, cứ chăm chăm vô nhau mà tiếu lâm các kiểu, xàm xì đủ trò. Như chuyện tôi, thi thoảng, có đi xẹo xọ chút đỉnh thì được đặt tên là tráng niềng.
Sự mường tượng của chồng tôi mới đến là phong phú chứ! Khi, ví von cặp giò của vợ với hai bánh của chiếc xe đạp. Thôi, tạm thời thua để rình coi ổng có cái gì đó sai sai, mình móc mỉa lại mấy hồi.
Được soi khi quên để được chối quanh chối quẩn cũng ý nghĩa vậy. Như được nhắc nhau uống thuốc, tập thể dục, đeo khẩu trang... Được cùng ra biển khi tới mùa hè để thả bộ tập tành nơi công viên rồi òa ập với sóng nước. Được cùng thấp thỏm và thắc thẻo theo từng cơn mưa lớn, những đợt lũ tràn mà thương quá cho dân miền Trung, mùa này.
Được uống với nhau ly cà phê và đắm mình vào mấy khúc nhạc, mỗi sáng. Được trầm ngâm với nhau trong những câu chuyện buồn về nhân tình thế sự. Được cùng tiếc nuối khi thầm lặng tiễn đưa một người thân quen đã ra đi. Được sẻ san những lo lắng khi dịch hết sụt lại trồi và giờ là sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Đã hết sự hoảng sợ của những đợt đầu, dịch bùng phát. Đã bớt nặng nề đã thôi ngổn ngang. Đã bình tâm hơn... Nhận ra: Mình đã may mắn biết bao vì được cùng nhau, mỗi ngày.
Bạn đã vượt qua những khó khăn của năm 2021 như thế nào? Bạn có lời nhắn nhủ gì với bản thân và những người thân yêu, có kế hoạch gì cho năm 2022? Mời bạn gửi bài chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: [email protected]. Bài viết không quá 1.000 từ, có ảnh minh họa phù hợp và thuộc bản quyền của tác giả. Những bài được chọn đăng có nhuận bút.
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn!