Tỉ phú Elon Musk trong lần xuất hiện ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 25-5 - Ảnh: AFP
"Nếu chúng ta không chặn thương vụ này thì nó sẽ trở thành cái loa cho những kẻ mị dân và những kẻ cực đoan kích động thù hận, bạo lực và quấy rối", bà Nicole Gill - giám đốc điều hành của tổ chức Accountable Tech, nêu trong thông cáo báo chí ngày 3-6.
Accountable Tech là tổ chức đấu tranh buộc các đại gia công nghệ số phải chịu trách nhiệm xã hội trong hoạt động kinh doanh, phát triển của mình. Accountable Tech cùng khoảng một chục tổ chức khác đang tìm cách gây áp lực lên chính quyền, các cổ đông và các nhà quảng cáo trong việc ngăn chặn Twitter về tay Elon Musk.
Các bên tham gia chiến dịch cho rằng tỉ phú Musk mua Twitter chỉ để "đánh bóng tên tuổi". Do vậy, chiến dịch được phát động để gây sức ép với Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) và các cơ quan khác nghiên cứu kỹ hơn về thương vụ này và thuyết phục các cổ đông của Twitter phản đối việc tỉ phú Musk mua công ty công nghệ có trụ sở ở San Francisco.
Twitter thông báo thương vụ bán mạng xã hội này cho tỉ phú Musk đang tiến gần hơn tới giai đoạn ký kết khi qua hạn chót thẩm tra của cơ quan chống độc quyền Mỹ. Ông chủ của Hãng xe điện Tesla đã đạt thỏa thuận sơ bộ mua Twitter trị giá 44 tỉ USD. Thỏa thuận này cần được một số cơ quan quản lý xem xét và các cổ đông của Twitter thông qua.
Gần đây, sau khi bị các cổ đông của Twitter tố cáo "thao túng thị trường", tỉ phú Elon Musk còn bị cho là nằm trong tầm ngắm của "cảnh sát trưởng" chứng khoán Mỹ là SEC.
Ngày 27-5, SEC đã công bố toàn văn lá thư gửi cho vị tỉ phú Mỹ gốc Nam Phi, yêu cầu ông này giải thích vì sao chưa công bố thông tin về việc gia tăng cổ phần của ông tại Twitter trong vòng 10 ngày như quy định, đặc biệt là kế hoạch mua công ty này.
Đáng chú ý ở chỗ đó là lá thư đã gửi vào ngày 4-4, ngày mà Elon Musk công bố đã nắm trong tay hơn 9% cổ phần của Twitter. Trong thư, SEC nhắc nhở rằng vì sao ông Musk đợi đến ngày 4-4 mới công bố thông tin trên, trong khi từ ngày 14-3 ông đã nắm hơn 5%.
SEC cũng chất vấn ông chủ của Space X và Tesla về việc chọn lịch trình 13G, vốn chỉ dành cho các nhà đầu tư "thụ động".
Trong thư, SEC nêu rõ ông Musk cần phản hồi và làm rõ về những tuyên bố gần đây trên mạng xã hội Twitter, trong đó có các tuyên bố gây hoài nghi về mạng xã hội này.
Tỉ phú Musk trở thành một cổ đông lớn của Twitter sau khi mua 73,5 triệu cổ phiếu của Twitter hồi đầu tháng 4 vừa qua. Chưa đầy 2 tuần sau đó, vị tỉ phú gốc Nam Phi bắt đầu hỏi mua lại mạng xã hội này và đạt thỏa thuận trị giá 44 tỉ USD cho thương vụ.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, Elon Musk được cho là đã phát đi những tín hiệu không rõ ràng về việc thực hiện thỏa thuận này. Thời gian qua, giới chức quản lý thị trường Mỹ đặc biệt chú ý đến các bài đăng của ông Musk trên Twitter. Hiện tỉ phú CEO của Hãng ôtô điện Tesla này cũng đang bị kiện với cáo buộc dìm giá cổ phiếu Twitter để tìm cách rút khỏi thương vụ mua lại mạng xã hội này, hoặc thương lượng để mua với giá thấp hơn.
Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) là một cơ quan độc lập của chính phủ liên bang Hoa Kỳ. SEC chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi luật chứng khoán liên bang, đề xuất các quy tắc chứng khoán và điều chỉnh ngành chứng khoán... SEC có nhiệm vụ chính là bảo vệ các nhà đầu tư; duy trì thị trường công bằng, trật tự và hiệu quả; và tạo điều kiện hình thành vốn.