Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Do đó ngay từ đầu khi quyết định về chung nhà với người đã qua một lần đò, có con riêng, người trong cuộc ắt hẳn cần tự hỏi mình "có thể thương con của người ta như con mình?".
1. T. hơn 40 tuổi, là quản lý một khách sạn lớn. Sau 12 năm chung sống bên nhau và có một cậu con trai, vợ chồng anh nảy sinh bất đồng và ly hôn. Bé trai ở với mẹ.
Được một thời gian, anh quen một cô sinh viên mới ra trường, họ nhanh chóng kết hôn và sinh được một bé trai. Dù không phải nuôi con chồng nhưng A., cô vợ trẻ, luôn tìm cách ngăn cản chồng đến thăm con riêng. Cô tìm mọi cách chứng tỏ trước mọi người anh là của riêng mẹ con cô. Trên Facebook, cô thường xuyên đăng hình con trai, tag chồng vô để "khẳng định chủ quyền" bằng những câu như "cục cưng duy nhất của ba"; ai không biết hỏi thăm, cô bảo chồng chỉ có đứa con này thôi.
Một người bạn thân T. phản ứng vì trong danh sách bạn bè của T. có cả Facebook cậu con riêng đang bước vào tuổi mới lớn, với thái độ như vậy cậu bé sẽ rất dễ bị tổn thương và dần quay lưng với ba. T. sau thời gian mặn nồng cũng bắt đầu ngán ngẩm sự ích kỷ của vợ trẻ, anh luôn bị stress vì phải đứng giữa hai mối quan hệ mà anh không thể dung hòa.
Trường hợp của T. tương đối nhẹ nhàng, nhưng nếu không tích cực giải quyết thì lâu dài mối quan hệ cha con của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đọc những thông tin vụ cháu bé 8 tuổi bị hành hạ đến tử vong, ai làm mẹ chắc cũng phải xé lòng khi nghĩ về quãng thời gian dài bé phải hứng chịu sự tra tấn khủng khiếp về thể chất lẫn tinh thần. Công an vào cuộc sẽ điều tra mọi việc rõ ràng, ai có tội phải bị trả giá.
Từ vụ này và vẫn còn nhiều trường hợp đâu đó trong xã hội, có lẽ các cô gái, đặc biệt là các cô trẻ, nên cân nhắc khi bước vào mối quan hệ với người đã từng có gia đình, có con. Hãy suy nghĩ thật cẩn thận xem bạn có đủ bao dung và thấu cảm để đồng hành với họ. Bởi vì bạn không chỉ biết họ mà còn phải quan tâm ít nhất đến con họ, mối quan hệ cha/mẹ - con cái là mối quan hệ thiêng liêng mà không ai có quyền rẽ chia, ngăn cản.
Và một khi bạn để hờn ghen và sự ích kỷ lấn át, bạn không chỉ phá hủy cuộc đời của mình, khiến hôn nhân trở nên bi kịch, mà có thể hủy hoại cuộc đời của người khác. Rất nhiều vụ hành hạ trẻ em đến từ mẹ kế, ba dượng cho thấy mở lòng thương con của "tình địch" không hề dễ dàng.
Trẻ em là đối tượng yếu thế, không có khả năng phản kháng khi bị hành hạ. Vì vậy, trẻ lại trở thành nơi "lý tưởng" để người ta trút những đắng cay, bức bối.
2. Nói như vậy không có nghĩa là không có những bà mẹ kế tốt bụng.
Hàng xóm nhà tôi có một cô vừa mất vì COVID-19. Bốn đứa con đau đớn khóc mẹ cả tháng trời. Hỏi thăm thêm mới vỡ lẽ, khi mẹ ruột các em qua đời, ba bọn trẻ nai lưng ra chăm đàn con nheo nhóc rồi gặp cô gái hiền lành, chưa có mảnh tình vắt vai.
Thương ông và bầy nhỏ, bà về làm vợ, từ đó đứa nào bệnh bà cũng tất tả đêm hôm chăm. Bà cũng không dám đẻ con thêm vì sợ có con rồi bớt quan tâm tụi nhỏ, rồi con anh con... chúng ta. Cứ vậy, anh em họ lớn lên trong tình thương ấm áp của mẹ kế mà người ngoài khó thể phát hiện họ không phải ruột thịt.
Nhìn từ trường hợp hàng xóm mới thấy, khi chấp nhận cuộc hôn nhân với người từng có gia đình, có con, bạn không chỉ phải có lòng bao dung, thương trẻ và có khi còn phải hy sinh bản thân.
3. Một bà chị kể rằng nơi chung cư lao động chị ở có hộ gia đình ở tầng 2. Một ngày công an và hội phụ nữ bất ngờ gõ cửa vào làm việc khiến bà cháu trong nhà hết hồn. Hóa ra, 2 đứa con đi làm gửi cháu cho bà ngoại trông. Thằng cháu lại biếng ăn nên ngày nào đến bữa bà cũng cầm roi mây quất vào ghế salon để dọa cháu.
Nhà hàng xóm đối diện nghe bé khóc, nhìn xa xa lại thấy roi nhịp lên nhịp xuống nên đã quay clip... báo công an. Sau khi kiểm tra kỹ cháu bé không bị thương tích và có sự xác nhận của cha mẹ cháu, công an và hội phụ nữ đã nhắc nhở và yêu cầu tổ trưởng theo dõi thêm. Từ bữa đó, gặp hàng xóm, bà ngoại hay chặc lưỡi: "Giờ roi mây tui cũng bỏ hết, sợ quá!".
Dù chỉ là nhầm lẫn nhưng ý thức bảo vệ trẻ em của người hàng xóm đó cũng nên được nhân rộng. Bởi bất cứ sự thờ ơ nào của người lớn hay xã hội đều có thể để lại những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với những em bé đáng thương của chúng ta.