Thương con ai kể tháng ngày - Kỳ 3: Ước ông trời cho mẹ bệnh thay con

3 năm trước 289
 Ước ông trời cho mẹ bệnh thay con - Ảnh 1.

Bà Hai trước căn nhà tình thương đã xuống cấp của mình - Ảnh: DIỆU QUÍ

Hai con lần lượt hóa điên sau biến cố

Người mẹ có hoàn cảnh đáng thương đó là bà Đỗ Thị Lệ Thu (thường gọi bà Hai), ngụ phường 3, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Bà Hai 73 tuổi, nhưng cái khổ đeo bám từ thời trẻ khiến bà già hơn rất nhiều so với tuổi.

Hơn 15 năm qua, bà Hai cùng hai người con tâm thần sống trong căn nhà tình thương do chính quyền xây tặng. Ngôi nhà hầu như không có gì đáng giá ngoài chiếc nồi cơm điện, tủ thờ trống trơn và tấm phản làm chỗ ăn ngủ.

Bao năm không sửa sang, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, tường nứt nẻ, nền nhà hơi nghiêng, cửa kính bể do con trai ném đồ trong lúc lên cơn. Bà nói tiền ăn mỗi ngày của mấy mẹ con còn phải xin người ta, thì chuyện sửa nhà sao dám nghĩ tới.

Tiếp chúng tôi, bà phải ra một góc cách nhà chừng 30m để nói chuyện, chứ không dám ngồi trong nhà vì sợ con "nổi cơn đánh người lúc nào không biết". Lau nước mắt đang lăn trên khuôn mặt khắc khổ, người mẹ già thương con, nhớ lại biến cố ập đến khiến hai người con của bà lần lượt phát điên.

Hơn 20 năm trước, con trai thứ tư của bà là Nguyễn Tuấn Hải (49 tuổi) làm việc cho một hãng bia ở huyện kế bên. Trong một lần chở bạn làm chung đi giao bia, xe anh Hải cầm lái bị một chiếc xe tông vào. Cú tông quá mạnh làm cả người và bia văng xuống ruộng, đầu anh Hải đập vào số bia rơi vãi ra, bất tỉnh.

Anh may mắn giữ được tính mạng do cấp cứu kịp thời, nhưng đầu óc bị chấn thương nặng khiến anh nhớ nhớ quên quên, thỉnh thoảng "giật kinh phong". Sau tai nạn, cả ngày anh Hải chỉ quẩn quanh ở nhà làm mấy việc lặt vặt. Biết tâm trí anh không còn bình thường nên chẳng ai dám thuê mướn. 8 năm sau tai nạn, anh Hải phát bệnh nặng hơn, bác sĩ kết luận anh đã trở thành người bệnh tâm thần.

Đứa con trai vốn lanh lẹ, có da có thịt, từ khi phát bệnh chỉ còn da bọc xương. Bà Hai xót con, nuốt nước mắt vào trong để chăm sóc phần đời còn lại của con.

Nỗi đau còn chưa nguôi thì cách đây 6 năm, em kế của anh Hải là Nguyễn Tuấn Hưng (48 tuổi) lại bị tai nạn giao thông khiến "chấn thương đầu nhẹ". Do không có tiền, anh Hưng chỉ băng bó sơ sài rồi uống thuốc cho qua. 

Người đàn ông làm nghề hớt tóc này sau đó phải bỏ nghề, vợ cũng ẵm con đi biệt tích làm anh sốc nặng. "Nó từng nhảy cầu tự tử ở Bình Dương nhưng được cứu kịp. Nó bắt đầu ít nói, ít cười, cả ngày lang thang ngoài đường, rồi từ từ phát điên như thằng Hải", bà Hai kể.

Vậy là người mẹ nghèo thêm một lần nữa nén đau thương, không màng tuổi già, bệnh tình của bản thân để vất vả kiếm tiền nuôi hai người con điên dại.

 Ước ông trời cho mẹ bệnh thay con - Ảnh 2.

Bà cặm cụi chuẩn bị cơm trưa cho hai con. Hôm nay được hàng xóm cho miếng thịt gà, bà để dành hết cho con - Ảnh: DIỆU QUÍ

Từng muốn chết để giải thoát

Bà Hai có 8 người con, trong đó 2 người đã mất do bệnh tật. 3 cô con gái đã lấy chồng nhưng gia cảnh khó khăn, lại hay đau ốm nên thỉnh thoảng mới cho mẹ đôi ba trăm. Bà còn con trai út đang làm thợ hồ, hoặc ai thuê gì làm nấy, phụ mẹ chút tiền nuôi hai anh bị bệnh.

"Chồng tui đột quỵ mất 27 năm rồi, lúc trước làm bên ngành điện lực, tiếp tui nuôi con. Từ hồi hai con bệnh, tui làm đủ nghề, bán hàng rong, chạy xe ôm để nuôi con. 

Ngày kiếm được cỡ 200.000 đồng, đủ cho tui với hai đứa nó ăn uống, thuốc thang. Mấy năm nay tui bị tim, nhiều thứ bệnh tuổi già nữa, làm việc nặng dễ ngất xỉu. Rồi còn ở nhà coi chừng hai đứa con, sợ tụi nó quậy phá nên không làm gì ra tiền nữa", bà Hai tâm sự.

Cái khổ đeo bám khiến người mẹ già đôi lần muốn chết đi để giải thoát, nhưng bà sợ mình chết rồi không ai lo cho hai con điên dại. 

"Anh chị em của tụi nó quá nghèo đâu có nuôi được, rồi hai thằng này biết nương tựa ai! Giờ tui còn sống, nấu bữa cơm chan nước tương cho con cũng được", bà nghẹn ngào nói có khi một lon gạo nấu cháo cho cả nhà ba người ăn một ngày. 

Chân đau nhức, bà vẫn ráng đạp xe đi xin cơm từ thiện ở chùa. Bữa cơm nhà bà có rau củ, thỉnh thoảng thêm miếng thịt, con cá từ lòng tốt của xóm giềng.

Mỗi tháng, bà đạp xe đến phòng khám của một bác sĩ gần nhà lấy thuốc miễn phí cho con. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần bảo lãnh đưa anh Hải và anh Hưng đi Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa điều trị thời gian ngắn. Song về nhà vài tháng, hai anh lên cơn nặng rồi lại đưa vào.

"Bệnh viện ở đó có đưa toa thuốc nhưng nhiều loại quá tui không có tiền mua, nên lấy thuốc ở gần nhà cho tụi nó uống đỡ, tới đâu hay tới đó", bà Hai cho biết bác sĩ dặn phải dịu ngọt với con, đặc biệt là canh giờ cho uống thuốc. 

Bà kể, mỗi lần anh Hải phát bệnh, người mẹ già phải hứng chịu những tiếng mắng chửi, chạy trốn vì con đập phá đồ đạc trong nhà, kể cả đồ thờ cúng, đôi khi anh còn rượt đánh mẹ.

"Lúc bình thường thì nó chỉ nói lảm nhảm, xin mẹ 10.000 đồng mua cà phê uống", bà ngậm ngùi kể. Còn anh Hưng lúc tỉnh thì lang thang từ sáng tới chiều, khi trở bệnh đập đồ, quấy phá...

Bao la lòng mẹ

Hơn 20 năm trôi qua, không biết bao lần bà Hai khóc vì con, vì tủi phận mình. Nuôi con bình thường đã khó, đằng này bà phải gánh gồng, chăm bẵm hai người con tâm thần lớn người mà như bé thơ.

"Người ta nói hai đứa này có gì là tui khỏe cái thân, nhưng nó là máu mủ của mình, thà nó điên mà còn sống với mình. Mỗi lần tụi nó phát bệnh, một tay tui cõng con chạy đi tìm người đưa nó đi bệnh viện. Tội nghiệp con, nhiều lúc tui ước mình có thể gánh bệnh này thay tụi nó", giọng người mẹ già run lên, nấc từng tiếng. Bà cũng cắt tóc gần như trọc đầu để "đỡ tốn tiền mua dầu gội".

Hôm chúng tôi đến, anh Hưng không có ở nhà, chỉ còn anh Hải nhìn chăm chăm vào khách lạ rồi lảm nhảm một mình. Sợ con lên cơn, bà phải nói đây là người quen tới thăm thì anh mới cho vào.

Bị tâm thần nhưng anh Hải rất cảnh giác khi người lạ tới nhà, bà Hai dặn chúng tôi đừng chụp hình anh, nếu không sẽ bị... ăn đòn vì anh ghét ai chụp hình mình. Bà kể mấy đợt trước có đoàn từ thiện tới cho gạo xong đi ngay chứ không dám nán lại vì anh dọa đánh.

Biết hoàn cảnh của bà Hai, nhiều nhà hảo tâm gửi tặng tiền, thức ăn đến giúp sức cho bà nuôi hai con. Địa phương cũng hỗ trợ gia đình bà theo chế độ trợ cấp xã hội cho người nghèo và người tâm thần.

Bà Hai hi vọng bản thân đủ sức khỏe để lo cho hai con, nhưng không biết mình lo được bao lâu. "Nếu tui không còn nữa, chỉ mong chính quyền địa phương giúp tui lo cho con để chúng không bị đói", bà đau đáu tâm sự.

Hàng xóm đều thương cảm bà Hai

Bà Nguyễn Thị Thu - tổ trưởng tổ dân phố - cho biết phường rất quan tâm trường hợp của bà Hai, mỗi tháng đôi lần cho gạo và thỉnh thoảng hỗ trợ thêm tiền này kia.

"Hai người con của bà Hai được nhận trợ cấp mỗi tháng 540.000 đồng/người. Bà ấy ở tổ tôi, có gì mình cũng cho", bà Thu cho biết. Nhắc đến hai người hàng xóm tâm thần, bà Thu nói rằng người anh hay đi lẩm bẩm vòng vòng trong xóm, còn người em thì hồi trước hay đi qua đi lại ném gạch vào nhà người khác. "Nhưng người ta cũng thông cảm, thương bà Hai nên không trách gì", bà kể.

Bà tâm sự thêm: "Hồi trước tôi hay qua nhà, nhưng vài năm nay thì không dám nữa. Lần đó ghé thăm bà Hai, quên để ý hai thằng con có trong nhà không. Đang đứng nói chuyện, thằng Hải từ trong đi ra đấm một phát vào gáy, tui đau điếng nên tới giờ vẫn còn sợ".

*****************

Tôi mong chờ ngày này đã lâu rồi bác sĩ ạ! Hãy mau tiến hành phẫu thuật cắt gan tôi để cứu con tôi đi!

>> Kỳ tới: Người mẹ xẻ gan cứu con

 Bao ve chai của mẹ giàThương con ai kể tháng ngày - Kỳ 1: Bao ve chai của mẹ già

TTO - Cụ bà tuổi xế chiều vẫn ngày ngày đi nhặt rác nuôi con tâm thần. Người mẹ trẻ thì tặng gan cứu máu thịt của mình. Và người cha chịu cả đời "gà trống nuôi con" vì sợ đàn con bị chất độc da cam phải khổ...

Nguồn bài viết