Tổng thống Palestine Mahmud Abbas (giữa) đón tiếp Tổng thống Joe Biden ở Bờ Tây vào hôm 15-7 - Ảnh: AFP
Chuyến thăm lần này được coi là bài kiểm tra chính sách đối ngoại lớn của chính quyền Tổng thống Biden đối với các thách thức từ lạm phát cho đến các vấn đề nhân quyền, cung cấp năng lượng và an ninh ở khu vực.
Khó lấy dầu từ Trung Đông
Sau chuyến thăm Israel vào hôm 13-7, tổng thống Mỹ đã tới khu Bờ Tây để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Palestine. Chặng quan trọng tiếp theo là đến Saudi Arabia vào ngày 15-7, nơi ông Biden sẽ gặp thái tử Mohammed bin Salman - nhà lãnh đạo trên thực tế của quốc gia này.
Đầu tuần này, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Biden sẽ đề nghị các quốc gia thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng để làm giảm giá xăng dầu khi ông gặp các nhà lãnh đạo vùng Vịnh.
Trong đó, Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của OPEC sang Mỹ. Quốc gia này là nguồn cung cấp 5% tổng nhập khẩu xăng dầu và 6% nhập khẩu dầu thô của Mỹ vào năm 2021.
Tổng thống Biden thăm vùng Vịnh giữa lúc kinh tế trong nước gặp muôn vàn khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng nước Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 9,1% vào tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 8,8% mà Dow Jones ước tính.
Giá năng lượng và lương thực tăng nhanh góp phần khiến lạm phát vượt xa mức tăng lương của người Mỹ. Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tổ chức Moody's Analytics, cho biết so với năm ngoái một hộ gia đình Mỹ điển hình hiện cần chi thêm 493 USD mỗi tháng để mua cùng loại hàng hóa và dịch vụ.
Nước Mỹ cảm thấy hiện họ cần dầu mỏ Trung Đông hơn bao giờ hết, nhưng có lẽ họ sẽ thất vọng với chuyến thăm của ông Biden.
Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) được coi là đã tăng sản lượng gần tối đa và khó có thể tăng thêm được nữa. Ngoài ra, họ không có động lực để tăng sản lượng.
Cả hai quốc gia này đều đang tận hưởng giá dầu cao hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế cũng như quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sắp tới sẽ làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Lý do tôi đến Saudi Arabia là để thúc đẩy lợi ích của Mỹ theo cách mà tôi nghĩ rằng chúng ta có cơ hội để khẳng định lại ảnh hưởng của mình ở Trung Đông.
Tổng thống Biden trả lời báo giới trong cuộc họp báo ở Israel.
Khẳng định lại ảnh hưởng
Tổng thống Biden cho rằng mục đích chuyến thăm của ông đến Saudi Arabia lớn hơn mục tiêu dầu mỏ. Đây là quốc gia đồng minh Ả Rập quan trọng nhất của Mỹ ở vùng Vịnh.
Khi Iran được cho là đang mở rộng khả năng hạt nhân của mình, ông Biden cần phải có sự giúp đỡ của Saudi Arabia để kiềm chế Iran mặc dù các tổ chức nhân quyền đang chỉ trích chính quyền Mỹ quá "mềm mỏng" với chính sách của thái tử Mohammed bin Salman.
Cũng dễ hiểu tại sao Mỹ lại quá cần Saudi Arabia khi "cái gai" Iran vẫn chưa giải quyết xong. Chính quyền Tổng thống Biden đang tham gia các cuộc đàm phán kéo dài với Iran để thuyết phục Tehran quay trở lại thỏa thuận ngừng phát triển hạt nhân (JCPOA) năm 2015 thời tổng thống Obama, nhưng sau đó tổng thống Trump từ bỏ.
Mặc dù Iran khẳng định chương trình hạt nhân là hòa bình, nhưng Israel coi nó là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của họ. Trong khi đó, Saudi Arabia đã chỉ trích thỏa thuận JCPOA năm 2015 là thiếu sót vì không giải quyết chương trình tên lửa của Tehran cũng như các tổ chức đối kháng với lợi ích của Saudi Arabia trong khu vực mà Iran hỗ trợ.
Ông Biden đã trấn an đồng minh Israel khi bảo đảm rằng Mỹ "sẵn sàng sử dụng mọi yếu tố sức mạnh quốc gia" để ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân, nhưng cũng "tin rằng ngoại giao là cách tốt nhất để đạt được kết quả này".
Tổng thống Mỹ thừa hiểu rằng Iran không phải là một quốc gia "cô đơn". Tehran là đối tác thân thiết của Matxcơva trong nhiều thập niên qua. Cùng với Syria, Iran là quốc gia mà Nga coi như hai cửa ngõ để tăng ảnh hưởng của mình ở Trung Đông. Ngoài ra, Iran là nước xuất khẩu dầu lớn cho Trung Quốc. Do đó, vấn đề hạt nhân của Iran không "dễ nuốt" đối với ông Biden nếu không có sự hợp tác từ Nga và Trung Quốc.
Mặc dù "lửa cháy âm ỉ" ở nhà nhưng chuyến thăm Trung Đông quá thiết yếu đối với lợi ích lâu dài của Mỹ khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã vươn vòi tới Trung Đông.
Hồi tháng 1-2022 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã mời 4 quốc gia Saudi Arabia, Kuwait, Oman và Bahrain thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tới Trung Quốc để thảo luận về hợp tác và bàn thảo hiệp ước thương mại tự do. Các quốc gia này cũng tán đồng sáng kiến "Vành đai con đường" (BRI).
Dù bận tâm vào cuộc xung đột Ukraine, nước Mỹ không muốn Trung Quốc âm thầm "lẻn cửa sau" giành ảnh hưởng ở khu vực truyền thống. Vai trò lãnh đạo của nước Mỹ ở vùng Vịnh cần phải được duy trì.
Saudi Arabia là trung tâm trong nỗ lực của Mỹ nhằm ổn định khu vực đầy biến động và ngăn nó rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc Nga.
Ngó lơ các thành tích kém cỏi của Saudi Arabia về dân chủ, nhân quyền cũng như bình đẳng giới, chính quyền ông Biden cần Saudi Arabia bởi vì họ không thể mất quốc gia này vào tay Trung Quốc.
Điều đó cũng có nghĩa địa chính trị cũng như lợi ích quốc gia đang tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của Mỹ ở vùng Vịnh theo cách: ai cũng được miễn là có lợi cho Mỹ.
Dự thượng đỉnh GCC
Sau khi kết thúc chuyến thăm Saudi Arabia, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của GCC.
Tại sự kiện này, ông sẽ họp với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Qatar, Iraq, Jordan và Ai Cập.