Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, cho biết: Trong suốt quá trình hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn khẳng định là vùng kinh tế trọng điểm tiên phong, đi đầu trong phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Để thúc đẩy vai trò và nhằm khai thác tiềm năng, khơi dậy nội lực sẵn có của vùng trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Chính trị đã có các nghị quyết chuyên đề và quy hoạch vùng. Đó là Nghị quyết số 24 - NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch vùng Đồng bằng song Cửu Long.
Đối với khu vực Đông Nam Bộ, Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định tầm nhìn đến năm 2045: Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics, trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. Nghị quyết lần này đề ra khá đầy đủ, đồng bộ phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực.
“Trong bối cảnh mới, để phát triển nhanh và bền vững vùng đòi hỏi phải lấy đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ là một trong những thể chế căn cốt giúp tạo dựng, thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương và của cả vùng. Vì vậy, kết quả của hội thảo có những đóng góp thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức và thực hiện thành công các nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như quy hoạch phát triển vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh.
Quang cảnh hội thảo.Từ thực tiễn nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ đối với Hợp tác xã và chủ thể OCOP tại tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Khắc Khang, Tổng giám đốc Masterbrand chia sẻ: Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ yếu là quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ có ý nghĩa đặc biệt đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo ông Nguyễn Khắc Khang, các chính sách hỗ trợ về tài sản trí tuệ trong thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã tại Trà Vinh. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ về đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, đồng thời có thêm các giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn để doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, nắm bắt được các chính sách, pháp luật liên quan.
Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.Trao đổi tại hội thảo, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò của trường đại học trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là vấn đề phát triển mô hình vườn ươm ở các trường đại học hiện nay.
Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, trên thế giới hiện đang phát triển nhiều mô hình vườn ươm, qua đó phát triển các ý tưởng, tri thức thành các sản phẩm có giá trị hữu hình. Các mô hình vườn ươm ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần làm bệ đỡ cho các ý tưởng của giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên thành các dự án, đề án, thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Từ thực tiễn nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ gợi mở một số giải pháp cho sự phát triển về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ hiện nay ở vùng Nam Bộ. Theo đó, với mạng lưới hơn 50 trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta có thể xây dựng mạng lưới các trường đại học để hình thành mạng lưới liên kết khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ cho cả vùng Đông Nam Bộ, mở rộng ra cả khu vực phía Nam. Tiếp đó, việc đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ không thể chậm hơn hệ thống cơ sở dữ liệu. Từ thực tế dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, nhiều ngành nghề phát triển tập trung vào ngành kỹ thuật số, kinh tế số. Các startup liên quan đến lĩnh vực kinh tế số đã phát triển mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh sau đó phát triển mạnh, nhanh sang các tỉnh, thành trong khu vực.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và kinh nghiệm quốc tế, trong nước liên quan đến các vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nguồn lực con người cho sự phát triển... trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số hiện nay. Các đại biểu cũng phân tích về thực trạng bảo hộ và phát triển sở hữu trí tuệ tại vùng Nam Bộ, xem xét các vấn đề mới đặt ra trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam; vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã phường một sản phẩm)...