Nông sản chất lượng cao được làm sạch từng củ quả và dán tem truy xuất ngay từ kho nông trại tại vùng nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng) - Ảnh: M.VINH
Ông Lê Minh Hoan nói: "Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã đăng loạt bài về những bất cập, góc khuất trong quản lý một số mặt hàng nông sản đưa vào hệ thống phân phối.
Trước đây, từng có ý kiến nhận định về sự "dễ dãi" trong sản xuất, ăn uống, buôn bán, tiêu dùng tại Việt Nam. Đây không phải là trách nhiệm của riêng ai. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng không vô can trong chuyện này".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
Rau sạch là cuộc cách mạng
* Ông có đánh giá chúng ta đang có nền "nông nghiệp mù mờ". Cụ thể thế nào?
- Tôi từng đưa ra nhìn nhận Việt Nam còn có nền nông nghiệp mù mờ, hay nền nông nghiệp đánh đổi...
Bản thân người nông dân chúng ta nhiều khi vướng phải "vòng lặp": đó là khi nông sản rớt giá thì có tâm lý bỏ bê, thiếu chăm sóc, dẫn tới chất lượng giảm sút; còn khi thị trường có nhu cầu cao, giá tốt thì bà con lại tìm nhiều cách khác nhau, thậm chí sử dụng chất kích thích tăng trưởng, để tăng sản lượng lên.
Điều này luẩn quẩn bao năm nay, cũng là do "mù mờ" về thông tin, về cách làm, do không liên kết, hợp tác.
Quy luật cung - cầu, người nông dân tiếp xúc với thương lái đầu tiên, rồi thương lái mới thu mua, cung cấp đến doanh nghiệp.
Nhiều thương lái ít quan tâm, lưu ý đến tiêu chuẩn chất lượng, thường chỉ ưu tiên hàng giá rẻ, hay biểu hiện chất lượng qua hình thức bề ngoài bắt mắt.
Tôi hay nói điểm nghẽn chính là manh mún nhỏ lẻ, tự phát bởi nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ.
Trách nhiệm của người sản xuất cũng chỉ một phần, còn nhiều khâu khác nữa. Chúng ta phải hiểu được, phải nhìn nhận đúng bản chất của nền nông nghiệp, để cùng nhau gây dựng lại.
Có một cuốn sách của chuyên gia về hữu cơ người Nhật Cuộc cách mạng rau sạch. Đối với họ, rau sạch là cuộc cách mạng, từ người tiêu dùng tới nông dân, đọc xong rồi thấy không phải quá khó, mà vấn đề ở chỗ là chúng ta tạo được thị trường minh bạch.
Giá cả, thu nhập là quan trọng, nhưng hơn hết vẫn là cam kết về chất lượng, về độ an toàn, bởi người nông dân không muốn bỏ công sức ra mà sản phẩm tốt lại bị trà trộn với hàng kém chất lượng. Hiện chúng ta còn nhiều khâu trung gian, dễ bị trà trộn.
Sắp tới, ngành nông nghiệp cùng hệ thống bán lẻ tìm cách tạo ra thị trường, không gian thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đạt chất lượng, một cách có tổ chức, vì thị trường 100 triệu người dân Việt, vì sức khỏe các thế hệ người Việt hiện nay và tương lai.
Bản thân hệ thống phân phối chủ động chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát quy chuẩn nhập vào trước khi lên kệ hàng thì rủi ro sẽ giảm đi.
Nông sản chất lượng cao được dán tem truy xuất ngay từ kho nông trại tại vùng nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng) - Ảnh: M.VINH
* Như bộ trưởng nói phải rà soát lại tất cả các quy định?
- Đúng vậy. Tôi đã đề nghị các cơ quan thuộc bộ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không, cần sửa cái gì, nhất là quản lý an toàn thực phẩm.
Đúng là lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP, mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP.
Khi có vấn đề, bộ phải coi lại hệ thống tổ chức bộ máy, phân cấp thẩm quyền xem đã hợp lý chưa, cái gì tạo ra kẽ hở.
Cần xem lại tổ chức thể chế là các nghị định, thông tư hướng dẫn đã đủ bao trùm chưa, hay còn kẽ hở để người ta lợi dụng?
Đây là câu chuyện chúng ta phải giải quyết dần dần vì quá nhiều chủ thể tham gia, thành ra không phải ngay tức khắc mà chúng ta ra một lệnh, như tất cả chỉ bán Vietgap. Nhưng không thể để mặc định câu chuyện tồn tại như vậy.
Hiện thực hóa nền nông nghiệp minh bạch
* Qua loạt bài của Tuổi Trẻ phản ánh rau VietGAP dỏm, Bộ NN&PTNT có giải pháp gì?
- Thực ra không phải tới bây giờ bộ mới có động thái, tất nhiên khi có hiện tượng này sẽ thôi thúc mọi người làm nhanh, có trách nhiệm hơn.
Các bộ, ngành liên quan đang phối hợp trình Bộ Chính trị xem xét đề án vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ NN&PTNT tham gia đề xuất các nội dung về bảo đảm chất lượng, an toàn nông sản.
Sắp tới, Bộ NN&PTNT bắt đầu hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó vấn đề nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm được đưa lên.
Đây là cơ hội đánh thức tâm thức để hành động. Mỗi người đều có một tâm thức và đây là vấn đề vì thị trường nội của 100 triệu người dân Việt.
Chúng ta hãy lấy mục tiêu này để hành động trong thời gian tới chứ không phải để đối phó, đẩy lên cho qua chuyện. Thực sự phải bắt đầu khởi động lại, bởi hình ảnh thị trường tiêu thụ nội địa tác động tới thị trường xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia ở nước ngoài nhắn tôi rằng hãy làm tốt thị trường nội địa để từ thị trường tiêu dùng thế giới có niềm tin người Việt Nam có trách nhiệm với chính mình thì lúc đó người Việt Nam mới có trách nhiệm với người tiêu dùng thế giới.
Công nhân dán tem nông sản Trình Nhi chuẩn VietGAP lên rau củ nhập từ chợ đầu mối - Ảnh: BÔNG MAI
* Vậy giải pháp của Bộ NN&PTNT là gì để có nền nông nghiệp minh bạch?
- Trước tiên chúng ta giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Hãy đi những bước đầu tiên bắt đầu từ trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm của hệ thống phân phối bởi vì có cầu thì có cung, nếu cầu dễ dãi thì cung dễ dãi.
Liên kết, hợp tác, thị trường là ba thành tố của chương trình nông nghiệp trong tương lai.
Liên kết rất quan trọng. Nông dân với nhau, họ sẽ cạnh tranh, về lý thuyết có lợi nhưng nhiều khi là cạnh tranh kéo nhau cùng xuống đáy. Ông A bán 10 đồng nhưng tôi muốn bán trước, bán 9 đồng thôi, cũng lời rồi. Khi giá xuống tới mức độ không chịu được thì chất lượng xuống.
Thành ra, phải hợp tác những người sản xuất lại, liên kết giữa người sản xuất lại tạo thành những tổ chức lớn hơn, hợp tác xã quy mô, làm ăn bài bản.
Khi quy mô lớn hơn, sự trả giá nếu làm bậy cũng lớn hơn, nên họ sẽ tiến dần tới quy củ, chất lượng.
Giống như đi ngoài đường cũng thế, khi quá đông thì khó kiểm soát, người này leo lề, người kia vi phạm. Nhưng ít chủ thể tham gia hơn thì sẽ dễ giám sát và xử lý.
Nông nghiệp cũng vậy, với sự dẫn dắt của doanh nghiệp minh bạch, Nhà nước sẽ đứng ở phía sau để kiểm tra, giám sát có làm đúng, đáp ứng được chuẩn mực của nông sản không.
* Những khâu sau như phân phối, bán lẻ cũng cần được chuẩn hóa?
- Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch để tiến tới chuẩn hóa thị trường trong nước thông qua hiệp hội ngành hàng, siêu thị, hệ thống phân phối vì cầu thế nào cung thế đó, cầu dễ dãi thì cung dễ dãi.
Chúng ta và tôi không tự tin làm mọi chuyện được tốt đẹp. Nhưng ngành nông nghiệp sẽ kiến tạo không gian thị trường để điều chỉnh thị trường trong nước.
Mỗi siêu thị, mỗi hệ thống bán lẻ xây dựng một không gian riêng để không lẫn lộn giữa GAP hay không GAP.
Bộ NN&PTNT đang xây dựng bộ tiêu chí để chuẩn hóa, đo lường sự cải thiện trong từng giai đoạn. Chúng ta không thể nói mãi khắc phục được một phần, một bước mà phải có tiêu chí đo lường.
Nguồn: Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Phát huy vai trò hiệp hội
Chúng ta phải dành không gian riêng, chế tài của Nhà nước là một, còn trách nhiệm của xã hội là hai thông qua hiệp hội ngành hàng.
Hiệp hội có chức năng thông báo, đánh giá. Hiệp hội ở nước ngoài mạnh ở chỗ có thể không chế tài, nhưng sẽ tẩy chay bằng cách đánh giá, xếp hạng rồi đưa lên truyền thông, công khai thông tin đến người tiêu dùng.
Qua đây người dân biết, cơ quan nhà nước biết để tập trung xử lý, chứ Nhà nước không thể nào đủ để phủ kín mọi vấn đề.
Nếu có không gian rõ ràng giữa một bên là nông sản được chứng nhận, với một bên là không được chứng nhận thì tôi tin người tiêu dùng sẽ có lựa chọn của mình.
Một số khâu cần tập trung kiểm soát
Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh các nhà phân phối cần coi việc tự kiểm tra giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng trong kinh doanh lâu dài.
Ông Nguyễn Như Tiệp
Các nhà phân phối, bán lẻ cần ưu tiên làm tốt, đặc biệt cũng cần kiểm soát tốt nhân viên của mình trong khâu cung ứng thực phẩm, tránh tiêu cực.
Người tiêu dùng cũng không nên quá dễ dãi trong mua thực phẩm tiêu dùng cho gia đình, nên lựa chọn các chuỗi phân phối uy tín có hệ thống tự kiểm tra giám sát nguồn hàng, khi cần nên hỏi kỹ nhân viên bán hàng về hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Thúc đẩy truy xuất nguồn gốc, giảm trung gian
Truy xuất nguồn gốc là công cụ quan trọng để kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), ngoài ra còn nhằm minh bạch và gia tăng giá trị sản phẩm, tăng niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Do vậy, ngay từ năm 2011, sau khi Luật ATTP có hiệu lực, Bộ NN&PTNT đã ban hành hai thông tư quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm không đảm bảo chất lượng...
Gần nhất là thông tư số 17-2021 quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT, nêu rõ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc truy xuất một bước trước - một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn.
Trước đây việc ghi chép bằng tay gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều sản phẩm chưa đủ thông tin để truy xuất. Nay có sự hỗ trợ của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào truy xuất điện tử giúp các cơ sở sản xuất có quy mô lớn hơn dễ dàng áp dụng...
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ và các địa phương tổ chức lại sản xuất thành vùng nguyên liệu tập trung, cấp mã số vùng trồng để đảm bảo ATTP và truy xuất được đến tận gốc nông sản thực phẩm, không những cho xuất khẩu mà còn ưu tiên cho tiêu dùng trong nước.
Theo tài liệu nghiên cứu hiện nay có ít nhất sáu dạng chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản điển hình. Dạng chuỗi đầu tiên qua nhiều khâu trung gian (năm khâu gồm: trồng trọt, sơ chế, chợ đầu mối, chợ dân sinh/siêu thị và người tiêu dùng).
Để thuận lợi hơn trong kiểm soát ATTP, cần giảm bớt khâu trung gian (xuống 2 - 3 khâu). Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các nước, có ba tác nhân rất quan trọng tham gia chuỗi là cơ sở sản xuất, sơ chế/bao gói, chợ đầu mối và nhà phân phối lớn (chuỗi siêu thị/cửa hàng tiện ích) là các tác nhân quan trọng cần tập trung kiểm soát ATTP.
Địa phương cần lấy mẫu giám sát
Theo quy định quốc tế và Hệ thống pháp luật về chất lượng, ATTP của Việt Nam thì thực phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường phải được sản xuất tại cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP hoặc chứng chỉ HACCP (hoặc tương đương).
Để đảm bảo ATTP siêu thị cũng cần tự kiểm tra, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm giám sát theo tần suất dựa trên nguy cơ của sản phẩm và lịch sử của nhà cung ứng trước khi bán.
Theo quy định, các cơ quan chức năng địa phương cũng đồng thời lấy mẫu giám sát ATTP lưu thông trên thị trường theo thông tư 08-2016 về quy định giám sát ATTP nông lâm thủy sản.
Sẽ kiểm tra việc cấp chứng nhận VietGAP
* Theo điều tra và tìm hiểu của phóng viên, việc tìm mua chứng nhận Vietgap hiện nay không khó, chỉ tầm 25 triệu đồng là có. Bộ đang quản lý như thế nào? Giải pháp để quản lý chặt việc cấp chứng nhận Vietgap là gì?
- Cảm ơn phản ánh của báo Tuổi Trẻ, để có đủ thông tin xử lý Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu các tổ chức chứng nhận VietGAP rà soát báo cáo và tổ chức kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất các tổ chức chứng nhận và cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP nhằm phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm, trong đó có vấn đề báo nêu.