Trẻ bị khò khè phải thở khí dung - Ảnh: BS ÚC NGUYỄN
Theo giám sát của CDC Hoa Kỳ thu thập trong những tuần gần đây cho thấy có sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh đường hô hấp ở trẻ em. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy hầu hết các ca nhiễm lần này là do vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Tỉ lệ nhiễm RSV tăng gấp ba lần trong hai tháng qua và gần đạt mức cao nhất so với hằng năm.
Khi mọi người ở nhà vào năm 2020 và 2021 để phòng dịch COVID-19, đồng thời cũng phòng luôn các vi rút đường hô hấp khác, điều đó tạo ra "khoảng cách miễn dịch". Khoảng cách miễn dịch là giai đoạn trẻ không tạo được kháng thể khi không có tiếp xúc với tác nhân gây bệnh trong giai đoạn cách ly xã hội. Khi mở cửa trở lại, tỉ lệ trẻ mắc RSV bùng phát là do khoảng cách miễn dịch.
Về chuyên môn, RSV được gọi là vi rút hợp bào hô hấp, vì khi vi rút xâm nhập vào đường hô hấp, nó sẽ kết hợp với tế bào hô hấp của con người, tạo nên một tế bào lớn hơn, gọi là hợp bào. Tế bào này phá hủy các tế bào bình thường của đường hô hấp như tế bào phế quản, niêm mạc mũi họng sẽ gây nên phản ứng viêm.
Phản ứng viêm của hệ miễn dịch con người bao gồm hoạt hóa tế bào lympho gây độc tế bào làm hoại tử tế bào biểu mô đường hô hấp, hậu quả là tắc nghẽn đường thở, đường hô hấp bị bịt kín bởi chất nhầy, mảnh vụn tế bào và các xác đại thực bào, vi rút. Những trường hợp nặng hơn có thể kèm theo tắc nghẽn các phế quản nhỏ kể cả phế nang.
Ngoài ra, sự xâm nhập của vi rút còn gây rối loạn chức năng tế bào lông chuyển, làm giảm khả năng thanh thải chất nhầy, gây phù nề đường thở và làm giảm sự giãn nở của phổi. Ước tính 60% trẻ nhiễm RSV trước 1 tuổi và 80% trẻ trước 2 tuổi, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn có chứa vi rút RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi hay hôn, đút thức ăn cho bé, sẽ đưa vi rút xâm nhập vào mắt, mũi, miệng người lành, hoặc tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt bị nhiễm bẩn có chứa vi rút trên quần áo, vật dụng, bàn tay người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
Lây truyền trực tiếp có tỉ lệ cao hơn lây truyền qua không khí, do đó rửa tay đúng cách và giữ tay tránh xa những khu vực nhiễm bẩn với RSV có thể giúp giảm lây nhiễm bệnh.
Các triệu chứng nhiễm RSV bao gồm: sốt; sổ mũi; giảm sự thèm ăn; ho và hắt hơi; khò khè; trẻ sơ sinh bị RSV, các triệu chứng duy nhất có thể là khó chịu, giảm hoạt động và khó thở. Khoảng 2% trẻ biến chứng viêm tiểu phế quản cấp, viêm phổi cần nhập viện.
Khả năng tái nhiễm bệnh hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng ở một type RSV khác. Thậm chí, có người bị vi rút tấn công đến hai lần trong cùng một mùa RSV. Tuy nhiên, các triệu chứng ở lần tái nhiễm thường không nghiêm trọng, chỉ như bệnh cảm lạnh thông thường.
Để phòng ngừa nhiễm RSV, cách tốt nhất là thực hiện 2K theo khuyến cáo của ngành y tế là khẩu trang và rửa tay, đồng thời dạy trẻ ho và hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào khuỷu tay thay vì bàn tay. Ngoài ra, hãy cố gắng giữ cho các bề mặt thường xuyên chạm vào được sạch sẽ.
Nhiễm vi rút hợp bào hô hấp RSV phần lớn là nhẹ, được điều trị tại nhà, ngoại trừ ở người lớn tuổi hoặc mắc bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu, và ở một số trẻ sơ sinh và trẻ em có bệnh lý bẩm sinh. Khi nào bé khó thở hoặc cảm thấy mệt mỏi thì mới đi bệnh viện.