Cảnh sát Myanmar túc trực trên một tuyến đường tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, trong ngày 19-3 khi lực lượng an ninh tiếp tục trấn áp những người biểu tình phản đối đảo chính tại đây - Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ cổng tin tức Myanmar Now của Myanmar cho biết sau khi lực lượng an ninh nổ súng vào những người biểu tình phản đối đảo chính quân sự, 7 người chết tại chỗ, 1 người chết sau khi được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện ở thị trấn Kalaw gần đó.
Theo báo Guardian (Anh), các đợt trấn áp người biểu tình của lực lượng an ninh đã khiến rất đông người dân Myanmar tìm đường tháo chạy khỏi Yangon, thành phố lớn nhất nước.
Các tuyến đường ra khỏi thành phố Yangon trong hôm nay 19-3 kẹt cứng với các dòng xe cộ nối đuôi nhau chạy về hướng các khu vực nông thôn gần đó.
Chính quyền nước láng giềng Thái Lan cho biết đã chuẩn bị để có phương án xử lý lượng lớn người dân Myanmar có thể tới đây lánh nạn.
Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1-2. Tuần này, chính quyền quân sự áp đặt thiết quân luật tại 6 thị trấn thuộc thành phố Yangon, nơi từng là thủ đô của Myanmar và là trung tâm thương mại của nước này.
Thiết quân luật đặt gần 2 triệu dân tại Yangon dưới sự kiểm soát trực tiếp của các tướng lĩnh quân đội.
Theo báo cáo thống kê gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc, đã có ít nhất 149 người biểu tình bị giết chết kể từ sau ngày đảo chính quân sự 1-2.
Trong khi đó, báo Guardian dẫn thông tin từ một nhóm hoạt động tại Myanmar cho biết hơn 220 người đã chết và khoảng 2.000 người đang bị bắt.
Người biểu tình Myanmar lo bị theo dõi bởi camera của Trung Quốc
Myanmar đã cho lắp hàng trăm máy quay an ninh ở các thành phố này để cải thiện khả năng quản lý và kiềm chế tội phạm.
Nhiều người lo ngại các máy quay trang bị AI có thể quét khuôn mặt và biển số xe ở nơi công cộng, đồng thời cảnh báo chính quyền về những người trong danh sách truy nã.
"Thậm chí trước cả các cuộc biểu tình, camera đã là mối quan tâm của chúng tôi, vì vậy chúng tôi đã cố tránh chúng, như đi nhiều tuyến đường khác nhau để về nhà" - ông Win Pe Myaing, một người biểu tình ở thành phố Yangon, cho biết.
"Chúng tôi tin cảnh sát và quân đội đang sử dụng hệ thống này để theo dõi các cuộc biểu tình" - ông Win nói thêm.
Giới chức Myanmar vẫn chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.
Hầu hết các camera trang bị tại các thành phố lớn ở Myanmar là của Công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc, theo trang tin Myanmar Now. Tuy nhiên, Huawei nói chỉ cung cấp các "thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông (ICT) tiêu chuẩn" và không cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt và biển số xe.
Huawei cho biết có nhiều nhà cung cấp thiết bị ICT và công ty "không tham gia bất kỳ hoạt động lưu trữ hay xử lý dữ liệu nào".