Một thầy giáo ôn thi lớp 10 cho học sinh tại Hà Nội - Ảnh: NVCC
Ý tưởng hỗ trợ con em của phụ huynh nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 do cô Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), khởi xướng từ ngày 11-5.
‘Vào trận’ cùng học sinh
Từ cuộc gọi đường dài của một phụ huynh là bộ đội, vợ là nhân viên y tế, chia sẻ nỗi lo có hai con sắp thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, cô Lý nảy ra ý tưởng san sẻ gánh nặng với những phụ huynh này.
Cô Lý nhận định, đối với học sinh giỏi, mức độ tiếp nhận khi học online chỉ đạt 80% so với học trực tiếp. Học sinh trung bình có thể là 50-60% nếu các em nỗ lực.
"Đây là giai đoạn nước rút nhưng các em phải tự ôn luyện ở nhà. Các em cần có sự đồng hành của phụ huynh và nhà trường, Nhưng nhiều em có bố mẹ đang ở tuyến đầu chống dịch, không ai bên cạnh hỗ trợ, đốc thúc, nhắc nhở. Nhiều em có kiến thức tốt nhưng bị áp lực điểm số, áp lực thi vào trường điểm… Có em tự áp lực từ anh trai học giỏi, cha mẹ là bác sĩ" - cô Lý chia sẻ.
"Do vậy, giáo viên phải gọi điện làm công tác tâm lý trước để hiểu tâm tư, khó khăn, áp lực của học trò. Từ đó, tháo gỡ các "nút thắt" để học trò thoải mái tư tưởng, hạn chế stress. Trong 4 tuần cao điểm, các thầy cô sẽ giúp học sinh phân bổ thời gian ôn thi, hướng dẫn vượt qua câu hỏi "bẫy", cách trả lời câu hỏi để không bị mất điểm đáng tiếc", cô Lý thêm.
Hiếu, một học sinh lớp 9 ở Hà Nội, tâm sự: "Nhờ các cô, mình cảm thấy được cảm thông, thấu hiểu khó khăn mà trước giờ không dám nói với ai dù 15 tuổi rồi. Bây giờ mình tự tin đạt điểm cao để bố mẹ yên tâm công tác".
Nhận được sự chia sẻ từ thầy cô, chị Phương (quận Nam Từ Liêm), có con thi lớp 10, xúc động: "Kỳ thi lớp 10 càng gần, nhưng chúng tôi phải đi trực cả ngày, không giám sát được con, chỉ có thể gọi điện về thăm con. Con tự nấu ăn, tự chăm sóc bản thân, tự học… Thế nên khi có thầy cô đốc thúc, chỉ bảo cho cháu thay bố mẹ, phụ huynh cũng an tâm hơn".
'Chúng ta làm việc tốt thì chúng ta sẽ hái quả ngọt'
Khi thông tin về chương trình trên mạng xã hội, cô Lý cũng như Trường THCS Nguyễn Du nhận được nhiều sự ủng hộ và tin tưởng. Nhiều thầy cô ở các trường khác cũng hưởng ứng như thầy Cao Văn Dũng - Trường THPT Amsterdam, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Trường THCS Chương Dương…
"Các thầy cô không quản ngại khó khăn mà còn giới thiệu các giáo viên khác hỗ trợ việc giảng dạy. Tuy vậy, chỉ các thầy cô đang dạy lớp 9 mới tham gia chương trình này vì hiểu rõ đề thi cũng như tâm lý các em học sinh", cô Lý bộc bạch.
Cô Nguyễn Thị Lý cho biết các thầy cô đang trợ giúp gần 10 học sinh lớp 9 ở Hà Nội, con số này sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới - Ảnh: MAI THƯƠNG
"Các thầy cô tham gia ôn tập cho học sinh lớp 9 ai cũng sẵn sàng bỏ công sức, thời gian giúp đỡ các em để cha mẹ yên tâm làm nhiệm vụ chống dịch. Tôi chia sẻ với mọi người rằng chúng ta làm việc tốt thì chúng ta sẽ hái quả ngọt. Quả ngọt chính là kết quả của học sinh, người mà chúng ta giúp đỡ, truyền lửa trong thời gian này", cô Lý chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương - nói: "Mục đích chương trình là để giúp các em gần gũi với thầy cô. Các bạn được động viên bằng ánh mắt, lời nói và cả áp lực nghiêm khắc khi không có cha mẹ kèm cặp ở bên. Tôi và các thầy cô luôn khao khát truyền thụ, giúp đỡ học trò, không chỉ các em có cha mẹ là cán bộ tuyến đầu chống dịch. Có thầy cô ngày nào cũng gọi kiểm tra các bạn, sửa bài tập, phụ đạo đến 7, 8h tối".
Ngày 13-5, Hà Nội thông báo các trường đều đã hoàn thành việc đánh giá định kỳ nên các trường sẽ tiếp tục tổ chức ôn tập trực tuyến cho học sinh lớp 9, lớp 12 tới hết ngày 28-5.
Do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên UBND TP Hà Nội cho phép điều chỉnh thời điểm tổ chức thi tuyển sinh lớp 10. Thời gian cụ thể sẽ ấn định sau khi Bộ GD-ĐT có thông báo điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo lịch thi trước đó, học sinh sẽ dự thi vào ngày 10, 11-6 (với khối đại trà) và từ 11 đến 14-6 (với học sinh thi chuyên). Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội cũng khẳng định sẽ không bỏ môn thi thứ 4 (lịch sử) như nguyện vọng của nhiều phụ huynh và các nhà trường.