Tháo gỡ nguy cơ đứt gãy thị trường lao động

3 năm trước 255

Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, quý III năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tính riêng quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 như: Mất việc làm, giãn việc nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Số người thất nghiệp là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước. Khu vực có tỷ lệ gia tăng tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long do thực hiện giãn cách xã hội. Điều này dẫn đến hệ quả là có khoảng 1,3 triệu lao động phải rời bỏ khu vực sản xuất, trở về quê hương.

Chú thích ảnhCông nhân làm việc trong ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1(TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh cho biết: Trên địa bàn có trên 470.000 doanh nghiệp với trên 3,2 triệu công nhân. Do thực hiện giãn cách nên có 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp và khu chế xuất với 1.600 doanh nghiệp cùng 322.000 công nhân cũng rất khó khăn và không thể duy trì “3 tại chỗ” vì chi phí quá lớn. Lao động tự do có 660.000 người cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, do chi phí cao nên chỉ một số ít doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “4 xanh”, còn lại đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, tạm thời cho người lao động nghỉ việc. Do đó, thị trường lao động TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề dưới tác động của dịch bệnh.

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương: Bình Dương có khoảng 50.000 doanh nghiệp với khoảng 1,2 triệu lao động. Số lao động tham gia “3 tại chỗ” khoảng 250.000 người, khoảng 750.000 người phải ngừng việc, số còn lại làm bán thời gian.

Thiếu việc làm dẫn đến lao động quyết định về quê khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn chia sẻ: Qua khảo sát tại 300 doanh nghiệp để chuẩn bị nhân lực cho tháng 10, thì thấy chỉ khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi mở cửa. Nguyên nhân là các lao động đều sống ở các xóm trọ với không gian sống chật hẹp, tạm bợ, không thể đảm bảo 5K, nên nhiều người lao động muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do (có đến 70%-80% là ở các tỉnh, thành).

“Để đảm bảo nguồn lao động lâu dài, thành phố cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do”, ông Trần Việt Anh đề xuất.

Còn ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, theo báo cáo từ cơ sở, những lao động từ tỉnh thành phía Nam đang dịch chuyển đều là lao động di cư, trong đó có cả lao động chính thức làm việc trong các doanh nghiệp và lao động tự do thuộc khu vực phi chính thức. Những lao động này đều khó khăn, không có việc làm và hầu hết là lao động phổ thông nên việc quay về quê là giải pháp tình thế trước mắt.

Giải pháp bù đắp

Tin mừng đối với ngành hàng dệt may là ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 cho biết, khảo sát từ các doanh nghiệp trong hội cho thấy sẽ có khoảng 70%-80% số lượng người lao động sẽ quay lại làm việc trong thời gian tới. Nguồn đơn hàng của các doanh nghiệp cũng khá dồi dào nên việc gia tăng sản xuất sẽ diễn ra trong quý IV.

Còn với đa số các doanh nghiệp, ngành hàng khác, theo nhận định của ông Vũ Minh Tiến, việc hàng chục ngàn lao động về quê sẽ tác động mạnh tới thị trường lao động. Theo ghi nhận của Viện Công nhân và Công đoàn, hiện hầu hết các doanh nghiệp ở khu vực phía nam vẫn đang sản xuất chỉ bằng 30-40% công suất, nếu như tình trạng sản xuất khôi phục cao hơn sẽ rất khó khăn trong vấn đề lao động. Trước đây, trong điều kiện bình thường, các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương cũng đã thiếu và gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động phổ thông, đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, gia dày, chế biến thủy hải sản, chế biến gỗ…. Nếu sau dịch, doanh nghiệp chỉ cần khôi phục sản xuất từ 70% trở lên, doanh nghiệp đã có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động phổ thông.

Nhưng ông Vũ Minh Tiến cũng cho rằng, các trung tâm kinh tế, công nghiệp, các đô thị lớn vẫn có sức hút rất lớn với người lao động, bản thân người lao động cũng cho rằng, việc về quê chỉ mang tính tình thế và vẫn có kế hoạch quay trở lại.

Theo ông Phan Kỳ Quan Triết, để duy trì lượng đơn hàng, các doanh nghiệp đã ra sức giữ chân lao động cũ cũng như tuyển dụng lao động bổ sung phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trung tâm đã thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của 56.985 lượt doanh nghiệp cho thấy nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 81,61% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 18,26%... Hiện nhiều doanh nghiệp khác đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tình trạng số lao động về quê ồ ạt đặt ra yêu cầu với việc sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp.

Còn ông Phạm Văn Tuyên cho biết, tỉnh có thể thiếu hụt khoảng 50.000 lao động và doanh nghiệp đang làm thủ tục để tiến hành hoạt động lại nên nguy cơ thiếu lao động hiện hữu. Tỉnh Bình Dương xác định tập trung hỗ trợ tốt về an sinh để giữ chân người lao động như chi hỗ trợ nhà trọ, nhu yếu phẩm cho người dân và công nhân lao động với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, chi hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền khoảng 900 tỉ. Sắp tới, Bình Dương tiếp tục chi hỗ trợ cho khoảng 300.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, trong số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phía nam áp dụng Chỉ thị 16, những người bị ảnh hưởng về việc làm chiếm 2/3 và chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ. Thị trường lao động bị ảnh hưởng lớn. Trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước qua gói Nghị quyết 68, hỗ trợ 135.000 tấn gạo thì nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người lao động để giữ chân người lao động

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã có công văn yêu cầu các cấp công đoàn cần chỉ đạo công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả “lương tạm nghỉ việc”, hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả, viết thư hoặc nhắn tin mời người lao động đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp.

Nguồn bài viết