Tháng Thanh niên 2024: Bí thư Chi đoàn gương mẫu, làm kinh tế giỏi

8 tháng trước 72
Chú thích ảnhAnh Lù Văn Đức chăm sóc cây mận. 

Là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, khi còn ngồi trên ghế nhà trường Lù Văn Đức, luôn mong muốn phát triển kinh tế để “đổi đời” ngay trên chính quê hương mình. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Kinh tế tỉnh Điện Biên, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa rời xa quê hương đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm thì Đức chọn ở lại quê hương để phát triển bản thân.

Lù Văn Đức nhớ lại, trước khi sáp nhập về thành phố Điện Biên Phủ, Nà Tấu là một xã thuần nông của huyện Điện Biên, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Với vai trò Bí thư Chi Đoàn bản Cang, anh luôn năng nổ, nhiệt tình trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò của đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn; phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thanh niên nông thôn. Với suy nghĩ "nói đi đôi với làm", Đức tự tìm tòi học hỏi phát triển kinh tế bằng mô hình trồng cây dong riềng. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm, thiếu nguồn vốn, đất đai đồi núi dốc không thuận lợi nên nhiều năm mô hình trồng cây dong riềng do Đức làm chủ đều thất bại.

Không nản chí, năm 2019, Đức mạnh dạn chuyển sang trồng cây mận, vì nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với khí hậu, đất đai thổ nhưỡng ở địa phương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải là thiếu nguồn vốn để thực hiện mô hình. Được sự động viên của người thân, Đức mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Tỉnh đoàn Điện Biên. Anh cũng tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng mận ở các địa phương khác.

Đức chia sẻ, ban đầu khi mới bắt tay vào trồng mận cũng rất sợ thất bại, nên chỉ thử nghiệm trồng 100 gốc. Vừa trồng, vừa tự tìm tòi học hỏi, nhờ đó anh dần biết cách chăm sóc, cây mận phát triển tốt. Đến nay, mô hình trồng mận của Đức đã có 500 gốc, trên diện tích 3ha. Ngoài trồng mận, Đức còn mở rộng diện tích trồng thêm 300 gốc trám đen, 200 gốc mắc ca và nuôi 90 đàn ong lấy mật. Mô hình này mỗi năm cho gia đình Đức thu nhập ổn định từ 100 đến 120 triệu đồng.

Sau khi phát triển mô hình hiệu quả, Đức còn chia sẻ kinh nghiệm, vận động đoàn viên, thanh niên và nhiều hộ gia đình ở các bản Nà Tấu 3, bản Phiêng Ban… đến học hỏi để phát triển kinh tế.

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, Đức còn rất năng nổ trong công tác Đoàn, những buổi truyền thông ở cơ sở luôn được anh hoàn thành tốt, nhờ đó, kịp thời tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Từ năm 2014 đến nay, Chi Đoàn bản Cang, do Lù Văn Đức làm Bí thư luôn nhận được nhiều Giấy khen của Đoàn Thanh niên các cấp.

Nhận xét về Lù Văn Đức, Bí thư Đoàn xã Nà Tấu Hoàng Thị Khánh Trinh cho biết: Lù Văn Đức không chỉ là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình, anh còn là thanh niên tiêu biểu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Đức còn là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên, được bạn bè, đồng nghiệp học tập, noi theo.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, nhờ sự nỗ lực của bản thân và được sự hỗ trợ về nguồn vốn nên có rất nhiều thanh niên đã xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo sự lan lỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên.

Theo Phó Bí thư Phụ trách Thành đoàn thành phố Điện Biên Phủ Nguyễn Thị Bích Ngọc, những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của thanh niên địa phương đã và đang tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong đội ngũ cán bộ Đoàn nói riêng và đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ nói chung. Họ đã lan tỏa năng lượng tích cực đến đông đảo đoàn viên, thanh niên các dân tộc, góp sức trẻ xây dựng quê hương Điện Biên ngày thêm giàu đẹp.

Nguồn bài viết