Tháng Hành động vì nạn nhân da cam: Nỗ lực, kiên trì xoa dịu nỗi đau

1 năm trước 71
Chú thích ảnhTP Hồ Chí Minh trao tặng Kỷ niệm chương "Vì nạn nhân da cam" cho các cá nhân tiêu biểu. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nỗ lực vươn lên

Chị Vương Thị Quyên là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2, sinh ra trong một gia đình nghèo tại Quảng Bình, bố là người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Từ nhỏ, Quyên đã bị vẹo cột sống, việc sinh hoạt, đi lại gặp nhiều khó khăn. Với ý chí và nghị lực lớn lao, chị đã vượt qua nghịch cảnh, tự ti, nỗ lực phấn đấu, học tập.

Năm 2014, Quyên là một trong số ít nạn nhân da cam được nhận học bổng của Chương trình “Tìm kiếm tài năng trẻ” (chương trình phối hợp của Bộ Ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ và Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam); mở ra bước ngoặt mới trong cuộc đời của cô gái trẻ. Chứng minh năng lực bản thân bằng học tập, Quyên thoát được khỏi sự tự ti, mặc cảm về ngoại hình, tự tin giao tiếp với xã hội.

Sau khi du học ở Ấn Độ trở về, đồng cảm với những số phận bất hạnh của các nạn nhân thế hệ thứ 2 - 3, Quyên lựa chọn trở thành giáo viên dạy tin học tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Với mong muốn mang kiến thức và nghị lực của bản thân lan tỏa cho các nạn nhân khác, Quyên đã giúp các nạn nhân tiếp xúc với công nghệ thông tin. Nhiều người đã mở được cửa hàng photocopy tự trang trải cuộc sống. Quan trọng hơn cả là học viên do chị đào tạo đã bớt tự ti trong cuộc sống, chiến thắng nghịch cảnh và trở thành người có ích cho xã hội.

Chị Vương Thị Quyên chia sẻ, chị lựa chọn “thắp lên một ngón nến” chứ không chỉ ngồi trong bóng tối đổ lỗi cho hoàn cảnh. Chị suy nghĩ là nếu không dừng lại, việc đi nhanh hay đi chậm sẽ không thành vấn đề nữa; chỉ sợ thiếu ý chí, còn chị có đủ sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, truyền lửa cho những người đồng cảnh ngộ.

Do di chứng chất độc da cam, anh Đinh Đức Thiệp (Hà Nội) bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, dẫn đến mắt kém, hỏng. Anh bắt đầu trở thành thành viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam từ năm 22 tuổi sau khi đi khám và có kết luận bị ảnh hưởng của chất độc này. Bố của anh Thiệp từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Là người khiếm thị, anh gặp không ít khó khăn trong cuộc sống và học tập. Tuy nhiên, anh Thiệp vẫn luôn tích cực tham gia các lớp kỹ năng sống, chương trình hoạt động để hòa nhập với xã hội. Chàng trai trẻ đã xuất sắc tốt nghiệp loại Giỏi ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong quá trình học tập, anh luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện, trở thành gương mặt tiêu biểu của trường và đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố Hà Nội, năm học 2018 - 2019.

Quá trình tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình khiến anh Đinh Đức Thiệp đã thôi thức anh tích cực hơn nữa để giúp đỡ ngày càng nhiều người yếu thế, nạn nhân chất độc da cam, lan tỏa cho cộng đồng biết để chung tay chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Còn lắm những trăn trở

Chú thích ảnhCác nạn nhân chất độc da cam/dioxin học nghề tại cơ sở nuôi dưỡng ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Năm 1971, ông Phạm Đức Thăng (Thanh Xuân, Hà Nội) lên đường vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về xây dựng gia đình. Không biết mình bị nhiễm chất độc da cam, vợ chồng ông lần lượt sinh ba người con. Người con đầu tiên sinh ra đã mắc bệnh hiểm nghèo, người con thứ hai thiểu năng trí tuệ, câm điếc. May mắn mỉm cười khi người con thứ 3 nay đã vào Đại học vẫn khỏe mạnh, bình thường.

Tuy nhiên, ông và vợ vẫn canh canh nỗi lo khi hai vợ chồng tuổi ngày càng cao, bệnh tật càng nhiều và không đủ sức khỏe để chăm lo cho hai người con bệnh tật. Người con út hiện tại vẫn khỏe mạnh, ông bà lại lo lắng cho tương lai thế hệ thứ ba...

Theo số liệu thống kê, chất độc da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ phận của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, gây dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản.

Đặc biệt, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ, ở Việt Nam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân ở thế hệ thứ 3 và hơn 2.000 nạn nhân thế hệ thứ 4 bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ thế hệ thứ nhất.

Đời sống vật chất, tinh thần của hầu hết nạn nhân chất độc da cam còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để chung tay “xoa dịu” nỗi đau của nạn nhân da cam và gia đình, hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho người có công với cách mạng, trong đó đó có người hoạt động kháng chiến, con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.

Trong 20 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chủ động vận động được hơn 3.000 tỷ đồng để chăm sóc nạn nhân và gia đình của họ. Từ đầu năm 2023 đến nay, dù kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn nhưng Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn nhận được 320 tỷ đồng hỗ trợ, kịp thời bổ sung vào nguồn quỹ chăm sóc sức khỏe, làm nhà, hỗ trợ sinh kế, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên. Tuy vậy, hành trình “chiến đấu” với chất độc da cam của các nạn nhân và gia đình vẫn còn dài với nhiều nỗi lo.

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, cái khó của nạn nhân chất độc da cam hiện nay chính là công tác y tế, đặc biệt là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân tại gia đình cũng như tại các trung tâm và cộng đồng. Một số lượng khá lớn con và cháu của nạn nhân hiện nay bị bệnh nặng nhưng không có nơi nương tựa, các trung tâm (Làng Hữu Nghị, Hòa Bình, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, bảo trợ xã hội) đang chăm lo giúp đỡ, nuôi dưỡng. Về lâu dài, vẫn cần có chính sách cụ thể, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để chăm lo khi bố mẹ các em qua đời. Các nạn nhân chất độc da cam rất mong muốn, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ có được một công việc ổn định để họ tự trang trải cuộc sống.

Ông Đặng Nam Điền cho biết, thời gian tới, Hội tiếp tục kiến nghị Nhà nước quan tâm giải quyết chế độ chính sách đối với thế hệ thứ ba là cháu của các nạn nhân chất độc da cam, trước mắt Nhà nước cần quan tâm trợ cấp cho đối tượng này.

Cuộc kháng chiến đã qua từ rất lâu nhưng trong thân thể, da thịt các nạn nhân chất độc da cam “lửa chiến tranh” vẫn ngày đêm âm ỉ. Việc xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà chính là hoạt động thiết thực để đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với nước; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đó cũng chính là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam; cả xã hội cần chung tay, chung tấm lòng để sẻ chia, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Nguồn bài viết