Thái Lan muốn sống chung với COVID-19 bằng chiến dịch tiêm vắc xin

3 năm trước 266
Thái Lan muốn sống chung với COVID-19 bằng chiến dịch tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Du khách ở Phuket (ảnh tư liệu năm 2016) - Ảnh: The Guardian

Chung sống với COVID-19

Theo báo Wall Street Journal, năm ngoái, Thái Lan là một trong những quốc gia chống dịch COVID-19 tốt hàng đầu thế giới. Thành tích này có được là nhờ quốc gia này chấp nhận hy sinh ngành du lịch, chiếm 15% trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nền kinh tế.

Từ đầu tháng 4-2021 đến nay, Thái Lan phải vật lộn để khống chế sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới, triển khai tiêm vắc xin diện rộng trong bối cảnh người dân ngày càng mất kiên nhẫn với nền kinh tế đang tuột dốc.

Chuyển sang chiến lược sống chung với COVID-19 cho thấy một số nước đang phát triển - ngay cả những nước từng có thời gian chống dịch tốt - đang phải đối phó với khủng hoảng trên nhiều phương diện: số ca nhiễm tăng, biến thể mới chiếm ưu thế, tốc độ tiêm vắc xin chậm, kinh tế lâm nguy trong bối cảnh các nước giàu đang nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha quyết tâm sẽ mở cửa lại đất nước hoàn toàn trong 120 ngày, vào giữa tháng 10-2021.

Du khách nước ngoài bắt buộc phải tiêm vắc xin để được tự do đi lại. Thái Lan xem như chấp nhận rủi ro là tỉ lệ lây nhiễm có thể cao hơn, nhưng theo Thủ tướng Prayuth, đây là điều cần thiết để giảm bớt khó khăn của những người đang phải vật lộn để kiếm sống.

Dân không thể chờ

"Khi xem xét nhu cầu kinh tế của người dân, đây là lúc chúng ta phải chấp nhận rủi ro một cách có tính toán", ông Prayuth nói.

Năm ngoái, nền kinh tế Thái Lan bị sụt giảm 6,1%, mức giảm mạnh nhất trong hai thập kỷ qua. Theo cơ quan kế hoạch quốc gia, tháng 6-2020 chứng kiến tỉ lệ thất nghiệp lên cao nhất trong 11 năm. Các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Thái Lan sẽ phục hồi trong năm nay, nhưng đợt bùng phát COVID-19 hiện nay chưa kiểm soát được đã làm giảm kỳ vọng này.

Nghiên cứu cho thấy biến thể Alpha (lần đầu phát hiện tại Anh) chiếm đa số trong các ca nhiễm gần đây ở Thái Lan.

Sa-nga Ruangwattanakul - chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh ở Khaosan, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Bangkok - sốt ruột: "Các doanh nghiệp đóng cửa, nhân viên không làm việc trong nhiều tháng. Chúng tôi không thể chờ đợi lâu hơn nữa".

Thái Lan sẽ thí điểm cho mở cửa đảo du lịch Phuket từ ngày 1-7, cho phép du khách đã tiêm đủ vắc xin đến từ các nước có nguy cơ thấp nhập cảnh mà không phải cách ly.

Hiện nay, mới có khoảng chưa đến 3% trong số khoảng 70 triệu người Thái được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ. Chương trình tiêm chủng toàn quốc của Thái Lan bắt đầu từ ngày 7-6 với 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca sản xuất trong nước và tổng cộng 105,5 triệu liều vắc xin COVID-19 cho năm nay.

Mặc dù có một số sự cố khi mới triển khai, cụ thể là số lượng được chấp nhận tiêm quá nhiều do có nhiều ứng dụng đăng ký khác nhau. Một tuần sau khi triển khai tiêm chủng mở rộng, hàng chục trung tâm tiêm chủng phải hủy các cuộc hẹn tiêm chủng do thiếu vắc xin.

Mặc dù vậy, chính phủ đặt mục tiêu sẽ tiêm 10 triệu liều mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 7-2021.

Ngày 20-6, Thái Lan ghi nhận có 3.667 ca nhiễm COVID-19 mới và 32 người tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong từ đầu dịch trên cả nước lên 214.449 ca nhiễm và 1.609 người tử vong.

Thái Lan muốn mở cửa nền kinh tế trong 120 ngày nhờ vắc xinThái Lan muốn mở cửa nền kinh tế trong 120 ngày nhờ vắc xin

TTO - Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin COVID-19 thần tốc, mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế trong 120 ngày (dự kiến giữa tháng 10 năm nay) của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đặt ra thách thức lớn cho chương trình tiêm chủng của chính phủ.

Nguồn bài viết