Lễ trao giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam 2021” với chủ đề “Phòng chống COVID-19 - Sứ mệnh Blouse trắng” - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Tối 26-2, giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam 2021” với chủ đề “Phòng chống COVID-19 - Sứ mệnh Blouse trắng” chính thức vinh danh 10 thành tựu được đánh giá mang đến những giá trị đóng góp tích cực vì sức khỏe cộng đồng.
Đây là lần thứ 2, giải thưởng được tổ chức bởi Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) và Sở Y tế TP nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
“Mang kỳ tích cứu lấy tuyệt vọng”
Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, TP.HCM là địa phương đầu tiên áp dụng và thành công với mô hình bệnh viện dã chiến “chị em”. Bác sĩ Mai Phan Tường Anh - phó giám đốc Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 - chia sẻ cụm từ này vốn dĩ là một khái niệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khi vào khảo sát chống dịch tại TP.HCM.
“Mô hình chỉ phát huy hiệu quả thật sự khi các tầng có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Giống như “chị ngã thì em nâng”, khi tầng trên quá tải chuyển xuống tầng dưới, phát huy hiệu quả từ đầu dịch đến nay. Gọi mô hình là “chị em” thay vì “anh em” vì mang tính tương trợ và mềm mại hơn, giúp tối ưu nguồn lực, chia sẻ nhân lực, thiết bị và kể cả bệnh nhân”, bác sĩ Tường Anh nói.
Trong thời gian điều hành bệnh viện, với những cảm xúc “cả một đời không quên”, bác sĩ Tường Anh cho biết bản thân ấn tượng nhất với một ca bệnh nam (28 tuổi), béo phì khi nặng tới 140 ký, phải điều trị can thiệp ECMO hơn 12 tuần.
“Nhưng điều kỳ tích đã xảy ra khi sau 12 tuần chiến đấu với COVID-19, bệnh nhân đã hồi phục trong niềm vui sướng và hạnh phúc vỡ òa của cả ê kíp”, phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 16 tâm tình.
Xúc động khi nhắc về sự hồi sinh thần kỳ của con trai, ông Vũ Đình Tâm - cha ruột của bệnh nhân nam nói trên - mong muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ y bác sĩ.
“Đã có lúc chúng tôi cảm thấy bất lực và tuyệt vọng nhưng đã có điều kỳ tích xảy ra, trong tâm tôi lúc này hạnh phúc vô cùng. Cảm ơn các bác sĩ đã cứu lấy nỗi tuyệt vọng của nhiều gia đình, mang lại một hạnh phúc giản đơn 'còn có thể nhìn thấy người thân yêu trên đời'”, ông Tâm chia sẻ.
Bác sĩ Mai Phan Tường Anh (trái), phó giám đốc Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16, gặp gỡ cha của bệnh nhân nam được ê kíp bệnh viện giành lại sự sống trong cửa tử - Ảnh: CẨM NƯƠNG
“Bắt tay nhau” sát cánh cùng F0 tại nhà
Một trong những chiến lược đúng đắn trong công tác phòng chống dịch của TP.HCM và hiện đang được áp dụng ở nhiều tỉnh thành đó là cho phép F0 được cách ly và điều trị tại nhà. Từ đó, “Mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022” và “Mô hình tổ y tế từ xa” đã ra đời và chính thức “bắt tay nhau” hỗ trợ, sát cánh cùng các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - chủ tịch Hội Y học TP.HCM - cho biết mô hình nhận được sự hậu thuẫn rất nhiều từ ngành y tế TP, từ những thông tin chuyên môn đến điều trị và tất cả các vấn đề liên quan dịch bệnh.
“Tất cả từ thầy cô đến sinh viên đều chung tay hỗ trợ phát huy hiệu quả mô hình. Tuy nhiên khi nhấc điện thoại lên tư vấn, chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn tạm thời, xử trí ban đầu, còn việc theo dõi về sau thì không có ai thực hiện. Từ đó, cũng là nguyên do để mô hình tổ y tế từ xa ra đời”, bà Dung chia sẻ.
ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, người tiếp quản mô hình “tổ y tế từ xa” - cho rằng đó như một cánh tay nối dài của tổng đài 1022.
“Trở về những ngày tháng 7-2021 chúng tôi hỗ trợ công việc tư vấn từ xa, chúng tôi nhận được rất nhiều lời kêu cứu ám ảnh và nhận thấy bệnh nhân có nhu cầu thật sự về việc tư vấn và theo dõi sức khỏe trong suốt quá trình điều trị. Nếu bệnh nhân nặng mới đến bệnh viện thì hiệu quả điều trị sẽ không cao, y đức nghề nghiệp giục giã, chúng tôi thiết nghĩ cần phải thành lập ngay mô hình này”, bác sĩ Vân Anh chia sẻ.
Theo hai nhà sáng lập mô hình ý nghĩa này, trong tình hình hiện tại vẫn cần thiết nên duy trì, bởi nó là nơi giúp người dân nắm bắt tình hình và thông tin dịch bệnh, là nơi để các bác sĩ có thể hiểu được nguyện vọng tâm tư của người dân về vấn đề gì.
Mô hình "tổ y tế từ xa" của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được vinh danh tại buổi lễ - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Mỗi thành tựu, một câu chuyện nhân văn
Bên cạnh các thành tựu mang lại hiệu quả cho công tác phòng chống và điều trị COVID-19, có những câu chuyện đầy tính nhân văn cũng xứng đáng được lưu dấu ấn như trung tâm H.O.P.E - chăm sóc trẻ sơ sinh của thai phụ mắc COVID-19 nguy kịch; mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng; phối hợp liên viện và ECMO cứu sống mẹ con mắc COVID-19 nguy kịch...
Ông Lê Hòa Bình - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - đánh giá cao những nỗ lực đóng góp cả chuyên môn và y đức của các cá nhân, đơn vị y tế trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19.
“TP.HCM đã cùng vượt qua những tháng ngày gian khổ, đội ngũ y tế đã quên đi hiểm nguy, gác lại hạnh phúc riêng tư, bỏ qua giấc ngủ, nỗi sợ hãi để cứu sống nhiều mạng người. Vinh danh những thành tựu y khoa cũng chính là lời tri ân sâu sắc, tiếp thêm ngọn lửa tinh thần cho đội ngũ tuyến đầu tiếp tục vững thành trì”, ông Bình chia sẻ.