Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn

1 năm trước 75
Chú thích ảnhCác đại biểu thực hiện nghi lễ ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng tham dự sự kiện. 

Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị là Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC) và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC). 

Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, việc hợp nhất hai trung tâm SCDC và IETC là phù hợp với thực tiễn khách quan hiện nay khi các ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn có mối quan hệ hữu cơ với nhau và yêu cầu phải có một chiến lược phát triển đồng bộ. Để đi nhanh, bắt kịp các nước trong các ngành này, Việt Nam cần có cách tiếp cận đột phá, đi thẳng vào khâu thiết kế, bao gồm thiết kế sản phẩm và thiết kế vi mạch.

Chú thích ảnhPhó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, sự kiện là một dấu ấn quan trọng trong thời điểm Thành phố đang thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Nghị quyết 98), rất cần một động lực mới để phát triển và ESC là một bước khởi đầu rất hứa hẹn. Trong kỷ nguyên hiện nay, mô hình phát hiện kinh tế trí thức và cuộc cách mạng chuyển đổi số đang chiếm ưu thế, đóng vai trò tiên phong. Trong đó, ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn của Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công nghiệp vi mạnh và bán dẫn là ngành công nghiệp sử dụng nguồn tài nguyên là trí tuệ. Vì vậy nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò then chốt, quyết định và Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong nước, đồng thời có những chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực này về Việt Nam. 

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để phát triển Khu Công nghệ cao Thành phố. Hiện, UBND Thành phố đang hoàn thiện kế hoạch phát triển Khu Công nghệ cao Thành phố giai đoạn 2 và sớm trình Trung ương xin ý kiến. Bên cạnh đó, với điểm tựa là Nghị quyết 98, Thành phố sẽ mạnh dạn thí điểm phát triển khu khoa học công nghệ với nền tảng chính là lĩnh vực chip điện tử, vi mạnh và bán dẫn...

Chú thích ảnhCác đại biểu chúc mừng sự kiện ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn. 

SCDC đi vào hoạt động từ tháng 10/2022 (đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa do Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Electronics tài trợ), chuyên cung cấp các dịch vụ như các phần mềm thiết kế của Synopsys đến qua mạng riêng ảo (VPN) cho các trường trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp cùng Synopsys tổ chức các khóa đào tạo về thiết kế vi mạch cho hơn 20 giảng viên đến từ gần 10 trường đại học khác nhau, tổ chức thí điểm khóa đào tạo tăng cường cho sinh viên. 

Còn IETC mới hoạt động chính thức từ ngày 25/3/2023 trên cơ sở hợp tác giữa Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao và Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Electronics, cung cấp các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn IPC (International Process Control), các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế và các chương trình đào tạo thiết kế sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế (Product Design). IETC tập trung thí điểm hướng đến đào tạo cho khách hàng doanh nghiệp làm về dịch vụ sản xuất điện tử nhằm giúp doanh nghiệp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến quy trình công nghệ, và tiếp cận khách hàng quốc tế. 

Tại buổi lễ, Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nguồn bài viết