Thuốc diệt cỏ Roundup, một sản phẩm có chứa glyphosate - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP, cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân của Pháp kết luận việc lập danh sách không bất hợp pháp, nhưng bên lập danh sách phải thông báo cho người có liên quan, ghi nhận quyền từ chối có tên trong danh sách của họ. Với việc giữ bí mật danh sách, Monsanto đã tước bỏ quyền từ chối của những người này.
Theo hồ sơ, Monsanto đánh giá từ 1 đến 5 điểm cho từng người trong số hơn 200 người trong danh sách ở Pháp của mình theo các tiêu chí về sức ảnh hưởng, mức độ tín nhiệm và mức độ ủng hộ của họ với Monsanto về một số chủ đề, đặc biệt là thuốc trừ sâu và cây trồng biến đổi gene.
Vụ việc được báo Le Monde và đài truyền hình France2 đưa tin vào năm 2019 và nhanh chóng được chú ý ở các nước châu Âu khác, nơi Monsanto cũng có các bản danh sách tương tự.
Các luật sư do Bayer thuê cho rằng họ đã tìm thấy danh sách của gần 1.500 chính trị gia, nhà báo và những người khác "chủ yếu ở Liên minh châu Âu" trong "danh sách các bên liên quan" do Công ty FleishmanHillard, đơn vị truyền thông của Monsanto, lập ra.
Monsanto không thông báo đến những người có tên trong danh sách. Bayer mua lại Monsanto với giá 63 tỉ USD năm 2018 và lập tức bị cuốn vào những vụ lùm xùm liên quan đến các sản phẩm của công ty này.
Tháng 5-2021, một tòa án ở Mỹ đã bác thỏa thuận trị giá 1,25 tỉ USD phía Bayer đề xuất để giải quyết các vụ kiện ung thư trong tương lai liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup với lý do thỏa thuận này có lợi cho công ty Đức hơn là cho những người bị bệnh.
Bayer không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Công ty khẳng định rằng các nghiên cứu khoa học và phê duyệt của cơ quan chức năng cho thấy glyphosate, thành phần chính của Roundup, là an toàn.