Điều dưỡng hỗ trợ bác sĩ trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân - Ảnh: XUÂN MAI
Tỉ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ ở bệnh viện công chỉ đạt 1,86
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 7-10, ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tỉ lệ điều dưỡng, bác sĩ tại một số bệnh viện công đang có xu hướng giảm, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh.
Theo đó, nguyên nhân là do các bệnh viện gặp khó khăn trong tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế cho số điều dưỡng đã nghỉ việc. Ngoài ra, việc nâng chuẩn trình độ của điều dưỡng, hộ sinh lên trình độ cao đẳng theo quy định tại thông tư liên tịch số 26 gặp khó khăn.
Để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh, phải đạt yêu cầu 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ. Tuy nhiên, qua khảo sát, tỉ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ tại các bệnh viện công lập là 1,86 và có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỉ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2.
Trước tình trạng thiếu điều dưỡng tại các bệnh viện TP.HCM, ngành y tế TP mong muốn có thêm trợ lý điều dưỡng. Những người này được đào tạo ngắn hạn trong 3 tháng, hỗ trợ người bệnh trong vệ sinh cá nhân, giường bệnh; ăn uống, di chuyển trong bệnh viện, đi làm các xét nghiệm...
"Trước đây, những việc này điều dưỡng chính quy làm thì nay trợ lý điều dưỡng làm. Trợ lý điều dưỡng sẽ hỗ trợ điều dưỡng, thậm chí cả bác sĩ", ông Nam nói và cho hay đây cũng là một trong những việc góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh mà ngành y tế đang hướng đến.
Nhà thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Đứt gãy nguồn hàng với thuốc nhập khẩu, thuốc hiếm
Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện danh mục thuốc sử dụng tại các cơ sở y tế được chia làm ba loại: danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, các thuốc còn lại do cơ sở y tế tự đấu thầu.
Đến nay ngành y tế TP gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc đứt gãy nguồn hàng với thuốc nhập khẩu, thuốc hiếm cần thiết cho nhu cầu điều trị và không có thuốc thay thế. Tuyến y tế cơ sở, nhất là trạm y tế, gặp khó khăn do việc mua sắm riêng lẻ, ít nhà thầu quan tâm. Tình hình nợ tiền thuốc kéo dài ảnh hưởng nguồn cung ứng thuốc…
Ngành y tế TP.HCM kiến nghị hỗ trợ ngân sách trong việc dự trữ một số thuốc hiếm như huyết thanh kháng nọc rắn.
Tiếp tục rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký. Cần có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước ưu tiên sản xuất thuốc cấp cứu, đặc trị…
Đề nghị rà soát mở rộng danh mục thuốc được BHYT tại tuyến y tế cơ sở theo hướng đẩy mạnh hoạt động chăm sóc người dân tại tuyến y tế cơ sở.