Thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát các loài đặc hữu tại Vườn Quốc gia Phước Bình

1 tháng trước 18
Chú thích ảnhBò tót được thiết bị bẫy ảnh chụp được trong rừng tự nhiên của Vườn quốc gia Phước Bình, Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN phát

Qua đó, ghi nhận nhiều cá thể bò tót và động vật quý hiếm, cung cấp nền tảng khoa học tin cậy để thực hiện các nhiệm vụ quản lý một cách hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, bảo tồn tất cả các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm là đối tượng ưu tiên trong công tác quản lý của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình. Để bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học, phục vụ lâu dài cho sự phát triển bền vững, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có ý nghĩa quan trọng, cung cấp nền tảng khoa học tin cậy thực hiện nhiệm vụ quản lý một cách hiệu quả.

Từ tháng 10/2023, Vườn thực hiện điều tra thử nghiệm và hoàn thiện hệ thống quan trắc. Đây là khoảng thời gian cuối mùa mưa và bắt đầu chuyển sang mùa khô - điều kiện tốt để thực hiện đợt điều tra thực địa với sự tham gia của chuyên gia động vật rừng Viện Sinh thái học miền Nam, cán bộ bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Phước Bình, cộng đồng địa phương tham gia hỗ trợ. 

Các chuyên gia sử dụng phương pháp điều tra theo tuyến, điểm, lắp đặt bẫy ảnh chụp, quay phim giám sát sự hoạt động của bò tót, các loài động vật khác tại khu vực đại diện cho những sinh cảnh chính của Vườn và hệ sông suối chính với thời gian theo dõi liên tục ít nhất 2 tháng.

Kết quả điều tra thử nghiệm theo hệ thống tuyến, điểm cho thấy, trong năm tuyến điều tra, có hai tuyến phát hiện dấu chân, dấu phân thải và các hoạt động khác của loài như bãi nghỉ, vết cà xước trên cây của các đàn bò tót, có tên khoa học là Bos gaurus. Sách đỏ Việt Nam xếp bò tót vào nhóm nguy cấp (EN) và nhóm IB, Danh lục đỏ IUCN xếp vào nhóm sắp nguy cấp (VU). 

Trong đó, tuyến Gia Nhông ghi nhận có hai đàn bò tót, đàn thứ nhất ước lượng số lượng từ 4 - 6 cá thể, trong đó có một cá thể còn nhỏ; đàn thứ hai có từ 3 đến 4 cá thể bò tót trưởng thành. Tuyến Đá Đen ghi nhận bò tót với số lượng lớn hơn, từ 6 - 7 cá thể trưởng thành. Các địa điểm ghi nhận sự hiện diện của bầy thông qua quan sát trực tiếp và gián tiếp đa phần là sinh cảnh rừng lá kim trên các sườn Đông và trảng cỏ nằm xen kẽ các rừng thường xanh.

Chú thích ảnhLợn rừng được thiết bị bẫy ảnh chụp được trong rừng tự nhiên của Vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN phát

Đối với loài vượn đen má vàng nam, tên khoa học Nomascus gabriellae, được Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN xếp vào nhóm nguy cấp (EN) và nhóm IB; kết quả trong 9 điểm nghe ghi nhận 12 đàn với 18 cá thể. Cấu trúc bầy đàn thông qua tiếng hót cho thấy có 9 cá thể là vượn đực, 7 cá thể vượn cái, 2 cá thể là con non. Với 12 bầy nghe được, ước tính mật độ vượn đen má vàng trong phạm vi quan trắc là 0,19 bầy/km2; phân bố chủ yếu ở những dải rừng thường xanh dọc hẻm núi, vách đá cao.

Ngoài ra, trong Vườn Quốc gia Phước Bình còn có sự phân bố của loài chà vá chân đen, tên khoa học Pygathrix nigripes, Sách đỏ Việt Nam xếp vào nhóm nguy cấp (EN) và nhóm IB, Danh lục đỏ IUCN xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR). Ghi nhận trên các tuyến điều tra có 8 đàn chà vá chân đen với tổng số cá thể quan sát được khoảng từ 149 - 180. Tuyến Gia Nhông phát hiện nhiều nhất có đến 3 đàn và tất cả tuyến điều tra đều được ghi nhận trực tiếp qua quan sát. Tuyến Hàm Leo phát hiện đàn chà vá chân đen có số lượng cá thể nhiều nhất, đếm được 45 - 50 cá thể. Trên các tuyến còn phát hiện thêm dấu phân của sơn dương, chồn hương và nai.

Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình, Vườn có tổng diện tích khoảng 25.000 ha là một trong hai Vườn quốc gia của tỉnh Ninh Thuận có vị trí đặc biệt trong bảo tồn đa dạng sinh học. Khu vực này là nơi chuyển tiếp, giao thoa giữa hệ sinh thái rừng thường xanh núi cao của khu vực cao nguyên Langbiang và hệ sinh thái đất thấp Nam Việt Nam. Những giá trị về đa dạng sinh học đã được chứng minh với hơn 1.338 loài thực vật, 327 loài động vật gồm 69 loài thú, 206 loài chim, 34 loài bò sát, 18 loài lưỡng cư. Số lượng loài động vật quý hiếm, đặc hữu được ghi nhận có phân bố trong Vườn Quốc gia được thống kê với 6 loài lưỡng cư, 18 loài bò sát, 30 loài chim và 35 loài thú có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN.

Mặc dù các số liệu hiện tại cho thấy Vườn Quốc gia Phước Bình có sự đa dạng về sinh cảnh, tiềm năng đa dạng sinh học cao cùng với sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các loài thực vật, động vật hoang dã ở Vườn đã và đang đối mặt nhiều sức ép từ hoạt động của con người, một số loài quan trọng suy giảm với số lượng quần thể ít dần, hầu hết các ghi nhận này được thu thập ít nhất 10 năm trước đây. Tình trạng quần thể, vị trí phân bố của hầu hết các loài, đặc biệt các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm không được đánh giá đầy đủ bằng cơ sở dữ liệu có hệ thống.

Chú thích ảnhBẫy ảnh chụp được loài Tê tê Java trong rừng tự nhiên của Vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN phát

Đơn cử số lượng cá thể của loài chà vá chân đen, loài linh trưởng nguy cấp theo IUCN và Sách đỏ Việt Nam, được đánh giá với khoảng 163 cá thể trong 16 bầy vào năm 2007. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, chưa có thêm công bố nào cập nhật về tình trạng của loài chà vá chân đen trong Vườn Quốc gia. Một loài linh trưởng khác như vượn đen má vàng nam đã được Viện Sinh thái học miền Nam đánh giá vào năm 2014, với 41 bầy nghe được. Trước đó, số bầy vượn được ghi nhận tại Vườn Quốc gia là 2 đàn vào năm 2007.

Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình, những thông tin từ các hoạt động quan trắc trên giúp giải thích rõ hơn biến động về số lượng của loài được quan trắc như bò tót, vượn đen má vàng nam và một số loài khác. Từ đó, Ban Quản lý có thêm thông tin, dữ liệu khoa học, áp dụng biện pháp quản lý, thu hút dự án đầu tư bảo tồn, nghiên cứu, đào tạo và phát triển du lịch sinh thái.

Thời gian tới, Vườn Quốc gia Phước Bình tiếp tục triển khai, mở rộng hoạt động quan trắc các loài động vật quý hiếm theo tuyến, điểm. Đồng thời phối hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai nhiệm vụ nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm; phát triển rừng; tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng người dân bản địa. Qua đó, làm giảm những tác động, rủi ro của thiên tai và hoạt động của con người tới môi trường rừng tự nhiên, góp phần tích cực vào chiến lược phát triển bền vững địa phương.

Nguồn bài viết