Thiết lập 'hành lang xanh', thêm hãng bay chở hàng đến Tân Sơn Nhất

3 năm trước 221
Thiết lập hành lang xanh, thêm hãng bay chở hàng đến Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Trong lúc hàng không đang gặp khó khăn do dịch bệnh, các hãng bay nước ngoài vẫn ký hợp đồng chở hàng hóa đi, đến Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: S.G

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 18-9, một lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho biết đơn vị này mới có thêm hợp đồng phục vụ cho hãng chuyên chở hàng hóa Air Incheon đi, đến Tân Sơn Nhất. 

Theo SAGS, đây cũng là tín hiệu vui mừng khi giữa đại dịch, hàng không trong nước ngưng trệ nhưng các hãng bay nước ngoài vẫn đăng ký hoạt động luân chuyển hàng giữa Việt Nam - Hàn Quốc, từ đó có thêm doanh thu, tạo công việc cho cán bộ nhân viên trong bối cảnh "thắt lưng buộc bụng". 

Trong khi đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (đơn vị quản lý khai thác 22 sân bay nội địa) cho biết đang thiết lập khung chương trình "hành lang xanh" nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các cảng hàng không, tạo niềm tin cho hành khách, phục hồi đi lại bằng đường hàng không trong trạng thái bình thường mới. 

"Hành lang xanh" cấu thành từ quy trình "con người xanh" là nhân viên hàng không, hành khách; "phương tiện, hạ tầng xanh" là sân bay, máy bay, xe buýt; "quy trình xanh" là các hướng dẫn giảm thiểu tiếp xúc, tuân thủ quy trình phòng dịch.

Đây là tài liệu khung định hướng các biện pháp an toàn sức khỏe để giảm thiểu rủi ro COVID-19 trong ngành hàng không, được xây dựng dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Theo các doanh nghiệp, "hành lang xanh" được coi là cơ sở cụ thể để đề xuất cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo việc khôi phục khai thác nội địa, từng bước khơi thông các chuyến bay quốc tế.

Đối với lộ trình thí điểm đón khách quốc tế dự kiến vào tháng 10-2021, ông Nguyễn Minh Đông - giám đốc Cảng HKQT Phú Quốc - khẳng định sẵn sàng tiếp nhận các chuyến bay chở khách du lịch quốc tế. 98% nhân viên của cảng đã tiêm vắc xin, khi có kế hoạch khai thác các chuyến bay quốc tế thì cảng huy động 100% lực lượng trở lại làm việc.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa theo 3 giai đoạn. 

Giai đoạn 1 áp dụng thí điểm 2 tuần sau khi kế hoạch được ban hành. Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng bay không vượt quá 50% so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4.

Giai đoạn 2 là áp dụng 2 tuần tiếp theo của giai đoạn 1, tần suất với từng hãng không vượt quá 70% so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4 của hãng hàng không đó.

Giai đoạn 3 là áp dụng tiếp theo giai đoạn 2 nếu không có thông báo khác của Cục Hàng không Việt Nam. 

Theo các giai đoạn, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất điều kiện để khách được bay là phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Khách đi máy bay phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát…

Diễn đàn Diễn đàn 'Từng bước mở cửa kinh tế an toàn, hiệu quả': Cần sớm khôi phục sản xuất

TTO - Việc tái khởi động nền kinh tế không có nghĩa là giảm đi tầm quan trọng của việc chống dịch mà nhằm phục hồi sức khỏe của nền kinh tế, gia tăng khả năng chống dịch tốt hơn và lâu bền hơn.

Nguồn bài viết