Thanh Hóa: Ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh doanh, chế biến hải sản

1 năm trước 172
Chú thích ảnhNhiều bao bì vứt bừa bãi. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực hồ nước tự nhiên thuộc địa bàn phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) có đủ mọi thứ rác, từ rác sinh hoạt đến rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp như sơn tàu, sắt rỉ, dầu mỡ… chất thành đống ngổn ngang. Những cống nước đen ngòm, ngập ngụa kèm theo mùi hôi tanh gây nên tình trạng mất vệ sinh môi trường nghiêm trọng. Về nguồn gây ô nhiễm, đa số người dân và lãnh đạo địa phương đều cho rằng bên cạnh ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn kém thì nguyên nhân chính là do các cơ sở chế biến hải sản xả thải ra môi trường. Không những thế, hệ thống xử lý khí thải từ các cơ sở này còn tỏa ra khắp vùng, khói mù mịt kèm theo mùi hôi rất khó chịu. Có những thời điểm, người dân nơi đây ban ngày thì cửa đóng then cài, ban đêm đi ngủ phải đeo khẩu trang.

Là người dân xã Hải Hà được di dân tái định cư về phường Hải Bình, gia đình chị Mai Thị Nguyệt rất bức xúc vì từ khi về đây sinh sống đã phải sống chung với ô nhiễm khí thải, rác thải... Chị Mai Thị Nguyệt, ở Khu tái định cư xã Hải Hà (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) cho biết: "Ở đây ngày mưa cũng khổ, ngày nắng càng khổ hơn. Do các mặt bằng xung quanh cao hơn mặt bằng chúng tôi đang ở nên ngày mưa thì sống chung với nước ngập, ngày nắng thì chung sống với mùi hôi, tanh. Vừa rồi không biết đơn vị nào xả thải khiến cá tự nhiên chết trắng hồ. Người dân sống chung với ô nhiễm đã nhiều năm nay, rất mong chính quyền có phương án sớm giải quyết vấn đề này”.

Chung ý kiến, ông Đổng Phục Triều, Khu tái định cư xã Hải Hà chia sẻ: "Các doanh nghiệp làm cá, mực rất ô nhiễm, mỗi khi mưa xuống, nắng lên là bốc mùi hôi thối. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được các cấp, ngành xử lý tận gốc và cũng không biết phải chờ đợi, sống chung với ô nhiễm đến khi nào".

Trên địa bàn phường Hải Bình hiện có hàng chục công ty, cơ sở chế biến hải sản lớn nhỏ đang hoạt động, thải vào môi trường khối lượng lớn các chất thải ở cả 3 dạng khí, lỏng, rắn thông qua quá trình sản xuất tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước và các chất bị loại bỏ trong quá trình chế biến, đóng gói. Thực tế này kéo dài đã nhiều năm, các cử tri thuộc phường Hải Bình nhiều lần có ý kiến về việc ô nhiễm môi trường tại các kỳ họp nhưng vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn cho biết: "Trên địa bàn phường Hải Bình có nhiều cơ sở chế biến hải sản, trong đó tập trung ở khu vực cảng cá Lạch Bạng. Quá trình chế biến, sản xuất gây ra mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường chung và sức khỏe của nhân dân. Qua nhiều đợt kiểm tra, các đơn vị chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý, yêu cầu các đơn vị chế biến đầu tư trang thiết bị, công nghệ để xử lý nước thải, chất thải, khí thải. Về phía địa phương, chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư hệ thống mương để thu gom nước thải phát sinh từ việc sản xuất, chế biến hải sản. Bên cạnh đó cần đầu tư công trình xử lý nước thải và khu tập kết chất thải rắn tập trung cho toàn bộ khu cảng để ngăn ngừa xả thải, khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực cảng cá."

Chú thích ảnhRác thải vứt bữa bãi gây ô nhiễm tại phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Theo ông Phạm Văn Nhiệm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, theo chức năng nhiệm vụ, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa là cơ quan trực tiếp kiểm tra, xử lý vấn đề môi trường liên quan đến các nhà máy chế biến hải sản ở phường Hải Bình. Để giải quyết các tồn tại, vi phạm về môi trường đối với các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn phường Hải Bình, đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về môi trường để người dân an tâm sinh sống.

Trong buổi tiếp xúc cử tri thị xã Nghi Sơn trước Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã yêu cầu thị xã Nghi Sơn, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm môi trường sống của người dân cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tháng 9/2022, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan đơn vị chức năng, huyện, thị, thành phố phối hợp đồng bộ để bảo vệ môi trường trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Thanh Hóa và chính quyền địa phương, mong rằng vấn đề ô nhiễm môi trường tại phường Hải Bình và những bức xúc của người dân sẽ sớm được giải quyết triệt để.

Nguồn bài viết